Mô hình trang trại sinh thái của Vinamilk đã giúp công ty vượt "rào cản xanh" trên thị trường
|
Độc đáo sản phẩm xanh
Tại hội nghị CSR & ESG Toàn cầu cuối năm 2022, một trong số doanh nghiệp Việt Nam được chọn báo cáo điển hình mô hình sản xuất xanh là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Theo đó, công ty này đã sớm đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, chuyển đổi “xanh” toàn bộ từ hoạt động chăn nuôi, đến sản xuất sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển của Vinamilk, cho biết, trên thực tế phát triển xanh, bền vững đã và đang là kim chỉ nam trong chiến lược phát triển của công ty. Theo đó, tư duy kinh tế tuần hoàn được vận dụng tại các trang trại bò sữa có quy mô hàng ngàn con. Hệ thống biogas không những xử lý được phân bò, mà còn biến chất thải này thành “tài nguyên” như phân bón hữu cơ, khí đốt,… từ đó giảm chi phí phân bón cho đất, điện cho trang trại. Các trang trại hoạt động và phát triển bền vững, hiệu quả, cũng giúp Vinamilk đảm bảo nguồn cung về nguyên liệu sữa tươi cho nhu cầu ngày một lớn.
Ở bức tranh lớn hơn, tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào thực hành phát triền bền vững và đạt được nhiều thành tựu ban đầu như FPT, Amura, Phong Phú,... Đơn cử, FPT đã cung cấp giải pháp giúp chính quyền các địa phương phát triển kinh tế bền vững thông qua các chương trình chuyển đổi số. Còn trường hợp Công ty Duy Anh (TPHCM), sản phẩm mới với thương hiệu “Bún ngũ cốc Mr Rice” đã đoạt giải thưởng sản phẩm xu hướng, đổi mới sáng tạo tại thị trường Paris (Pháp). Đây là sản phẩm xanh được chế biến từ nguyên liệu thuần Việt là gạo, có sự sáng tạo kết hợp với trái cây… Những thành quả này là minh chứng cho thấy thực hành ESG tại các doanh nghiệp Việt đã gặt hái được những thành tựu quan trọng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư vận dụng mô hình tích sản cổ phiếu AZFin, cho rằng, khái niệm ESG (viết tắt của Environmental - Social và Governance, tức là Môi trường - Xã hội và Quản trị doanh nghiệp), xuất hiện trên thị trường tài chính toàn cầu từ 2 thập niên trước, nhưng từ năm 2019 đến nay khái niệm này đang được ứng dụng mạnh mẽ và là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn này không những có thể xóa bỏ rào cản “xanh” trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, mà còn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng “xanh” với nhiều chính sách ưu đãi phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững.
Tham vọng với mục tiêu “xanh”
Nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc IBM công bố cho thấy, có đến 62% số người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, 80% số người tiêu dùng lo ngại các tác hại lâu dài của nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn.
Do vậy, để có thể thúc đẩy doanh nghiệp nói riêng và các lĩnh vực ngành nghề nói chung “bắt nhịp” được xu hướng này, Chính phủ đã nhanh chóng chuyển động với việc ban hành và cam kết thực hiện nhiều chủ trương, chính sách xanh. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, bày tỏ, Việt Nam đặt ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này cũng đã được tái khẳng định Việt Nam đang ở vị thế sẵn sàng để thực hiện các bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Cùng với đó, với chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cũng đặt mục tiêu hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững thông qua thúc đẩy công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược này cũng chú trọng tới quản lý chất thải và giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Áp dụng những công nghệ hiện đại và giải pháp sáng tạo, Việt Nam còn có thể trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững. “Chúng tôi tin rằng khi Chính phủ có các quy định và cơ chế khuyến khích phù hợp, chúng ta có thể giải phóng tiềm năng của khu vực tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh”, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken, nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, với mục tiêu phát triển bền vững gắn chặt với bảo vệ môi trường, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư mạnh vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao nhận thức toàn xã hội về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong cuộc sống, công nghệ số, công nghệ xử lý, tái chế chất thải và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Trong đó, tập trung vào 3 giải pháp là đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức, phát triển bền vững dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ và cuối cùng là đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, đổi mới tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn có vai trò đặc biệt quan trọng, mở đường và tạo không gian cho sự phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Về giải pháp phát triển bền vững dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ được xem là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cải thiện chất lượng tăng trưởng và năng suất nền kinh tế. Tiếp đó, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng có thể làm chậm lại, thu hẹp hoặc đóng các dòng chảy tài nguyên bằng cách kéo dài vòng đời của sản phẩm và cho phép thu hồi trong chuỗi cung ứng. Quan trọng hơn, công nghệ số sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh, cải thiện tài chính thông qua tăng cường tạo ra giá trị và giảm chi phí; nâng cao hiệu quả của dây chuyền sản xuất và hiệu quả sử dụng tài nguyên.
ÁI VÂN/www.sggp.org.vn
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bat-nhip-xu-huong-xanh-post687545.html