Hội nghị đã phổ biến về việc triển khai 2 quyết định của Thủ tướng chính phủ gồm: Quyết định 925/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 về việc phê duyệt chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 924/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Theo Quyết định 924/QĐ-TTg, mục tiêu chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 là phấn đấu đến năm 2025 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số; ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.
Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao…
Ngày 02/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 924/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025.
Chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt.
Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.
Phát triển chính quyền số ở nông thôn
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn. Các địa phương cần tiếp tục chú trọng nghiên cứu, thí điểm xây dựng và đánh giá, nhân rộng mô hình "Chợ an toàn thực phẩm'' ở nông thôn. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục triển khai qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chính quyền điện tử.
"Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống cấp nước cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt là xây dựng các mô hình tích trữ được nước ngọt để ứng phó biến đổi khí hậu, như ở Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương ven biển" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình sáng tạo, tham góp ý kiến để hoàn thiện kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện 2 Chương trình nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ghi nhận và đánh giá cao các địa phương đã có nhiều mô hình, giải pháp hay trong bảo vệ môi trường nông thôn và cần được nhân rộng trên cả nước. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, đến thời điểm hiện tại Trung ương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đây là những căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Do đó trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nông thôn để nâng cao chất lượng môi trường sống người dân, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp.
Đồng thời quan tâm triển khai hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm về các vấn đề: xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư để xử lý nước thải ở các làng nghề, chăn nuôi, nước thải sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực miền núi; xử lý dứt điểm các bãi rác gây ô nhiễm môi trường; đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu tại Chương trình; chủ động xây dựng các phương án, đề án về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp nước sạch... Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành tiếp tục tham góp ý vào dự thảo các Kế hoạch triển khai Quyết định 924/QĐ-TTg, 925/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để sớm hoàn thiện và triển khai thực hiện.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các địa phương cần chủ động triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu đã đề ra tại 2 Chương trình về bảo vệ môi trường và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung vào xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm trên các lĩnh vực.
Hải Anh/Tạp chí Kinh tế Môi trường
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-va-xay-dung-nong-thon-moi-tren-nen-tang-cong-nghe-so-71999.html