Bộ Công Thương vừa có báo cáo về cơ hội đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) mà PVN đề xuất với tổng số vốn hơn 18 tỷ USD.
Chưa rõ tính hiệu quả
Thuyết minh về dự án, PVN cho hay, nhiêu liệu xăng dầu chủ yếu tiêu thụ tại phía Nam, với các sản phẩm hóa dầu như PP, PE, PVC, PET, ADB, PS… tiêu thụ trên cả nước. Góp ý cho dự án này, Bộ KH&ĐT cho biết việc PVN kiến nghị bổ sung Dự án lọc hóa dầu với công suất là 12-13 triệu tấn/năm, tiến độ đầu tư 2023 – 2028 vào Quy hoạch là phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam, Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam và phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu dùng xăng dầu trong nước.
|
Việc xây dựng thêm dự án lọc dầu cần tính toán rõ hiệu quả, khả năng cạnh tranh.
|
Trong khi đó, Bộ GTVT cho rằng, đối với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề xuất của PVN chưa có thông tin cụ thể về bản vẽ mặt bằng vị trí các bến cảng, cỡ tàu khai thác, quy mô và tiến trình đầu tư các bến cảng, chức năng bến cảng.
Cùng với đó, Bộ GTVT đề nghị PVN làm rõ một số nội dung trong hồ sơ đầu tư dự án, như PVN cần làm việc cụ thể với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất tại khu vực cũng như báo cáo về nhu cầu sử dụng đất dự kiến cho dự án…
Góp ý về siêu dự án trên, văn bản do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi tới đã đề nghị Bộ Công Thương rà soát cơ chế, chính sách về phát triển thương mại và thị trường trong nước, đánh giá khả năng cung ứng sản phẩm lọc hóa dầu trong nước/nhập khẩu, nhu cầu tổng thể năng lượng quốc gia (sản xuất, dự trữ) để làm rõ sự cần thiết đầu tư của dự án.
Về quy mô đầu tư, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhắc lại trong thời gian vừa qua, với những thay đổi nhanh chóng về tình hình chính trị thế giới, xu hướng chuyển dịch năng lượng, thị trường sản phẩm lọc dầu trên thế giới (dư thừa công suất) ảnh hưởng đến chiến lược phát triển, hiệu quả đầu tư lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN. Do vậy, đề nghị PVN tính toán, xác định quy mô, tiến độ đầu tư phù hợp, đề xuất bổ sung dự án vào các quy hoạch liên ngành.
Cụ thể, PVN cần đánh giá tình hình thăm dò, khai thác dầu khí trong nước, khả năng sử dụng nguồn nguyên liệu (dầu, khí) trong nước hoặc nhập khẩu ổn định, lâu dài, làm nguyên liệu đầu vào của dự án lọc hóa dầu, đảm bảo mục tiêu gia tăng giá trị sử dụng tài nguyên dầu khí, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng sản phẩm lọc dầu, hóa dầu trong nước, an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời, bám sát tình hình thế giới, xu hướng dịch chuyển năng lượng, hạn chế phát thải, bảo vệ môi trường để tính toán, cân đối cung cầu thị trường sản phẩm lọc hóa dầu trong nước và trên thế giới, đảm bảo khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra của dự án lọc hóa dầu.
Cần làm rõ thêm nhiều vấn đề
Còn theo Bộ TN&MT, với định hướng chuyển dịch năng lượng hiện nay của Chính phủ nhằm hướng tới các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch như hydro xanh, ethanol xanh… đề nghị chủ dự án xem xét tính bền vững của dự án trong dài hạn cũng xác định quy mô hợp lý cho dự án để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Thực tế, Bộ Công Thương cũng thừa nhận năng lực sản xuất xăng dầu và sản phẩm hóa dầu (PP, PE) hiện tại và thời gian trước mắt chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước. Lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu thiếu hụt (cần nhập khẩu) tiếp tục tăng đến năm 2045 (thiếu hụt khoảng 12 triệu tấn xăng dầu/năm và 3,5 triệu tấn sản phẩm hóa dầu/năm); tuy nhiên sau đó nhu cầu xăng dầu sẽ giảm trong giai đoạn 2045 – 2050 để đáp ứng cam kết tại Hội nghị COP 26 (các nhà máy lọc dầu sẽ phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng).
Điều đáng nói hơn là liệu rằng sản phẩm lọc hóa dầu của siêu dự án trên có cạnh tranh được với xăng dầu nhập khẩu khi thuế quan ưu đãi dần giảm sâu hơn. Theo thống kê, các đối tác cung cấp từ 70 - 90% xăng dầu cho Việt Nam lại là thị trường nhận thuế suất ưu đãi theo cam kết tại FTA, đặc biệt là Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản.
Như vậy, lợi thế cạnh tranh của xăng dầu trong nước có thể giảm đi trước áp lực giảm thuế nhập khẩu. Đây là bài toán khó giải với ngay cả dự án lọc hoá dầu hiện hữu như Nghi Sơn, Dung Quất chứ chưa xét đến khả năng của các dự án lọc hóa dầu đang xây dựng hay dự án 18 tỷ USD đề xuất của PVN. Đặc biệt, từ năm 2024, khi thuế suất thuế nhập khẩu xăng các loại từ các nước ASEAN về 0%, xăng dầu trong nước sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn.
Chưa kể, liên quan tới nguyên liệu dầu thô, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, 100% đầu vào Lọc dầu Nghi Sơn là nhập khẩu, 50 - 60% đầu vào của Dung Quất cũng nhập khẩu. Việc phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu thành phẩm của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này cần có biện pháp khắc phục.
Dù khẳng định dự án trên sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate trong nước, tuy nhiên, PVN cũng cho biết nguyên liệu dầu thô thiếu hụt vẫn phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Đông, Mỹ tùy thuộc vào quy mô tổ hợp.
Theo đó, dù thấy đề xuất của PVN về việc nghiên cứu đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Long Sơn là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng PVN cần phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp dầu khí Long Sơn tiếp tục nghiên cứu dự án, trong đó bổ sung, làm rõ các nội dung liên quan đến dự án được các bộ ngành, địa phương góp ý.
Lê Thúy/vnbusiness.vn
Nguồn:
https://vnbusiness.vn/viet-nam/bai-toan-canh-tranh-cua-sieu-du-an-loc-hoa-dau-18-ty-usd-1090138.html