Ảnh minh họa. (Nguồn: AAP)
Nhà điều hành năng lượng thị trường Australia (AEMO) cho biết, sản lượng năng lượng tái tạo của Australia đã tăng kỷ lục 66% trong quý 1/2023, giúp giảm chi phí năng lượng, đẩy lượng khí thải carbon xuống mức thấp kỷ lục và giúp thay thế nguồn điện được tạo ra từ than và khí đốt.
Như vậy, năng lượng tái tạo cung cấp cho thị trường điện quốc gia (NEM) tăng 4,4 điểm phần trăm so với mức cao trước đó, trong khi đóng góp từ than và khí đốt giảm, với nhiệt điện khí đốt chạm mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Tổng lượng phát thải của NEM giảm xuống mức thấp nhất trong quý đầu tiên được ghi nhận, giảm 5,1%.
Kỷ lục đạt được chỉ trong chưa đầy một năm kể từ khi Công Đảng lên nắm quyền, thúc đẩy các dự án năng lượng sạch và cam kết đầu tư 20 tỷ AUD (13,3 tỷ USD) để xây dựng lại và hiện đại hóa mạng lưới điện quốc gia như một phần của nỗ lực giảm carbon khoảng 43% vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong bản cập nhật hàng quý mới nhất, AEMO cho biết, dữ liệu của họ cũng nhấn mạnh rằng cần đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống chuyển đổi, kết nối nhiều trang trại gió và mặt trời hơn với mạng lưới điện quốc gia.
Giám đốc điều hành AEMO Daniel Westerman cho rằng việc đầu tư nhiều hơn là cần thiết để mang lại nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp, phát thải thấp cho người tiêu dùng.
NEM bao gồm tất cả các vùng của Australia ngoại trừ tiểu bang Tây Australia và Lãnh thổ phía Bắc.
Các hiện tượng La Nina giảm bớt, hiện tượng thời tiết mà thường mang lại nhiều mưa hơn, và một mùa Hè ở Bán Cầu Nam tương đối ôn hòa giúp giá bán buôn điện giảm xuống mức thấp lịch sử.
Giá giao ngay bán buôn của NEM trung bình là 83 AUD mỗi megawatt giờ (MWh), giảm so với mức 93 AUD/MWh và 216 AUD/MWh của quý 3/2022 và 4/2022.
Báo cáo AEMO được đưa ra cùng ngày thông tin về Nhà máy điện chạy than lâu đời nhất của Australia sẽ đóng cửa, trong bối cảnh nước này chuẩn bị chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
AGL Energy Ltd, nhà sản xuất điện hàng đầu của đất nước, đóng cửa nhà máy điện Liddell sau hơn nửa thế kỷ hoạt động để chuyển đổi nơi đây thành trung tâm năng lượng tái tạo, bao gồm các kế hoạch xây dựng một trung tâm lưu trữ năng lượng lưới 500 MW ở đó.
Được xây dựng vào năm 1971, Liddell cung cấp khoảng 10% điện năng được sử dụng ở New South Wales, bang đông dân nhất của Australia.
Trong nhiều thập niên, than đá đã cung cấp phần lớn điện năng của Australia, nhưng chuyên gia năng lượng tái tạo Mark Diesendorf của Đại học New South Wales nói với AFP rằng các nhà máy điện như Liddell đang nhanh chóng trở thành những “cỗ máy cũ kỹ.”
Bên cạnh việc không hiệu quả, gây ô nhiễm cao và sửa chữa tốn kém, việc tiếp tục sử dụng rộng rãi các nhà máy nhiệt điện than sẽ khiến các mục tiêu khí hậu của Australia gần như không thể đạt được./.
Thanh Tú (TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/australia-dat-san-luong-nang-luong-tai-tao-ky-luc-trong-quy-1-nam-2023/859767.vnp