ADB: Những công nghệ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch

Thế giới cần khẩn trương ngừng việc đốt nhiên liệu hóa thạch thải ra khí CO2 làm nóng hành tinh; tuy nhiên, việc chuyển đổi các hệ thống than, dầu và khí đốt được cho là nhiệm vụ phức tạp nhất cho đến nay, một bài viết được đăng tải trên trang web của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 31/8 cho hay.
 

 97% tổng số xe điện trên toàn thế giới có thể được tìm thấy tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: Bangkok Post/TTXVN

97% tổng số xe điện trên toàn thế giới có thể được tìm thấy tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: Bangkok Post/TTXVN

Theo đó, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các hình thức sản xuất năng lượng tái tạo khác có xu hướng chiếm ưu thế, nhưng quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn diện trong hầu hết các cách sử dụng năng lượng, từ những lưới điện được tân trang lại để giảm thiểu thất thoát điện năng, cho đến hoạt động nấu ăn không dùng nhiên liệu hóa thạch.

Đây là một trong những đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đã được các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách thảo luận tại Diễn đàn Năng lượng sạch châu Á (ACEF) của ADB trong năm nay.

Nhận định về vấn đề này, ông Ramesh Subramaniam, Tổng Vụ trưởng Nhóm các ngành của ADB cho biết: “Một số giải pháp đổi mới sáng tạo cần được phù hợp với bối cảnh của các quốc gia đang ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Nhưng nhìn chung, các quốc gia đều mong muốn tiến lên trên nấc thang tăng trưởng và công nghệ”.

Trong đó, có 6 hệ thống và công nghệ năng lượng sạch, bao gồm: lưới điện thông minh, pin, xe điện, hydrogen xanh, những công trình xanh, và hoạt động nấu ăn sử dụng điện.

Cụ thể, lưới điện thông minh là những mạng lưới truyền tải và phân phối điện đã được nâng cấp bằng công nghệ kỹ thuật số để quản lý tốt hơn dòng điện từ nơi sản xuất đến nơi sử dụng.

Ông Priyantha Wijayatunga, Giám đốc cấp cao về Năng lượng của ADB khẳng định: “Lưới điện thông minh đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, vì chúng giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và cho phép việc tích hợp nhiều công suất năng lượng tái tạo hơn vào cơ cấu nguồn điện”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cần đầu tư khoảng 600 tỷ USD vào lưới điện hàng năm cho đến năm 2030 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, con số này cao gấp đôi so với số tiền đang được đầu tư hiện nay.

Tiếp đó là các hệ thống lưu trữ năng lượng pin cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Những hệ thống này lưu trữ năng lượng mặt trời và năng lượng gió để truyền tải sau này, nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải cao điểm, và có thể được sử dụng để bù đắp nhanh chóng khi nguồn điện tăng, hoặc giảm đột ngột.

Ông Jon Canto, Đối tác quản lý của McKinsey & Company Philippines cho rằng, khu vực Đông Nam Á có tiềm năng to lớn để nội địa hóa hoạt động sản xuất pin; đồng thời nói thêm, dự kiến nhu cầu pin lithium-ion toàn cầu sẽ tăng 30% trong 5 - 7 năm tới, với 90% nhu cầu là điện khí hóa phương tiện.

Bên cạnh đó, 97% tổng số xe điện trên toàn thế giới được ước tính tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, trong đó đa số là xe 2 hoặc 3 bánh.

Theo nhận định của ông James Leather, Giám đốc Nhóm Giao thông vận tải của ADB, khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang đạt được tiến bộ tốt về điện khí hóa các phương tiện đô thị, với khoảng 98% xe buýt điện trên thế giới có thể được tìm thấy trong khu vực này.

Ngoài ra, công nghệ hydrogen xanh có khả năng khử carbon trong nhiều lĩnh vực cụ thể khác nhau, khi được sử dụng để làm nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch trong cung cấp năng lượng cho các phương tiện giao thông và tàu biển, cũng như trong các quy trình công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất thép và sắt.

Liên quan đến hoạt động nấu ăn, ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, khoảng 1,2 tỷ người thiếu sự tiếp cận với các cơ sở nấu ăn sạch vào năm 2020. Nhiều người trong khu vực này vẫn nấu ăn bằng sinh khối, than củi và dầu hỏa, đồng thời phải đối mặt với mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí trong nhà, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Mặc dù những đổi mới sáng tạo về công nghệ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hòa nhập về giới và xã hội, nhưng đây vẫn là những thách thức phức tạp và không có giải pháp nhanh chóng, bà Reihana Mohideen, một cố vấn đến từ Đại học Melbourne nói thêm.


THANH NGÂN (Lược dịch từ Adb.org)/baothuathienhue.vn

Nguồn: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/adb-nhung-cong-nghe-giup-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-sach-131526.html