2023 - năm của năng lượng sạch

Thế giới đã phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ chóng mặt trong năm 2023.
 

anh-bai-chinh-28-12.jpg

Trang trại năng lượng mặt trời ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Nguồn: AP.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến, hơn 440 gigawatt năng lượng tái tạo đã được bổ sung trong năm 2023, nhiều hơn toàn bộ công suất điện của Đức và Tây Ban Nha cộng lại.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đều lập kỷ lục phát triển năng lượng mặt trời trong năm 2023. Trong đó, lượng bổ sung của Trung Quốc vượt trội so với các quốc gia khác, từ 180 đến 230 gigawatt. Châu Âu bổ sung thêm 58 gigawatt.

Năng lượng mặt trời hiện là nguồn điện rẻ nhất ở hầu hết các quốc gia. Giá tấm pin mặt trời đã giảm từ 40% đến 53% ở châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023 và hiện đang ở mức thấp kỷ lục.

Ông Michael Taylor - nhà phân tích cấp cao tại IRENA - cho biết: “Ở châu Âu, tốc độ mở rộng quy mô triển khai thực sự ở mức chóng mặt”.

Khi có những con số cuối cùng cho năm 2023, năng lượng mặt trời dự kiến sẽ vượt qua tổng công suất thủy điện trên toàn cầu, nhưng thủy điện vẫn sẽ tạo ra nhiều năng lượng sạch hơn trong một thời gian vì có thể sản xuất suốt ban đêm.

Ở Mỹ, hoạt động sản xuất năng lượng mặt trời cũng phát triển nhanh. Bà Abigail Ross Hopper - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội các ngành năng lượng mặt trời - cho biết: “Chúng tôi đã thấy tác động của Đạo luật giảm phát thải trong việc thúc đẩy đầu tư hơn 60 cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời đã được công bố trong năm qua. Hiện đã có 383 tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch được công bố kể từ khi đạo luật được thông qua”.

Điện gió tiềm năng

Theo các nhà phân tích, đến cuối năm 2023, thế giới sẽ bổ sung đủ năng lượng từ gió để cung cấp điện cho gần 80 triệu ngôi nhà.

Theo nghiên cứu từ Wood Mackenzie, cũng giống như năng lượng mặt trời, phần lớn mức tăng trưởng điện gió (hơn 58 gigawatt) đến từ Trung Quốc. Global Energy Monitor cho biết, Trung Quốc đang trên đà vượt qua mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 là 1.200 gigawatt công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió, trước 5 năm so với kế hoạch, nếu tất cả các dự án theo kế hoạch đều được thực thi.

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho biết, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia phát triển năng lượng gió trong năm nay. Bên cạnh đó, việc cấp phép nhanh hơn và những cải tiến ở Đức và Ấn Độ cũng giúp bổ sung thêm năng lượng gió. Nhưng số lượng lắp đặt ở châu Âu giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, Wood Mackenzie cho biết.

Những thách thức ngắn hạn như lạm phát cao, lãi suất và chi phí vật liệu xây dựng tăng đã buộc một số nhà phát triển điện gió biển phải đàm phán lại hoặc thậm chí hủy hợp đồng dự án. Một số nhà phát triển gió trên đất liền phải trì hoãn các dự án đến năm 2024 hoặc 2025.

Những “cơn gió ngược kinh tế” đến vào thời điểm khó khăn đối với ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi còn non trẻ của Mỹ khi nước này cố gắng khởi động các trang trại gió ngoài khơi quy mô thương mại đầu tiên. Việc xây dựng đã bắt đầu với 2 trang trại trong năm nay. Cả hai đều đặt mục tiêu mở cửa vào đầu năm 2024 và một trong những địa điểm này đã cung cấp điện cho lưới điện Mỹ. Trong khi đó, các trang trại gió lớn ngoài khơi đã sản xuất điện trong ba thập kỷ qua ở châu Âu và gần đây là ở châu Á.

Trên toàn cầu, tốc độ phát triển điện gió năm nay cũng chậm hơn, nhưng 8 đến 9 gigawatt vẫn là một con số đáng phấn khích, ông John Hensley - Phó Chủ tịch nghiên cứu và phân tích của Tập đoàn công nghiệp American Clean Power cho biết. Ba thị trường dẫn đầu về năng lượng gió sản xuất trên đất liền trong năm nay vẫn là Trung Quốc, Mỹ và Đức và các nước dẫn đầu về năng lượng gió được sản xuất ngoài khơi là Trung Quốc, Anh và Đức.

Các nhà phân tích dự đoán, ngành công nghiệp toàn cầu sẽ hồi phục vào năm tới và tạo ra thêm gần 12% năng lượng gió trên toàn thế giới.

Công nghệ pin tăng tốc

Theo IEA, trong bối cảnh nỗ lực không ngừng nhằm làm cho phương tiện giao thông ít gây hại cho khí hậu hơn, xu hướng xe điện đã tăng tốc trên toàn cầu vào năm 2023, với 1/5 số ô tô bán ra trong năm nay là xe điện.

Hơn 43,4 tỷ USD đã được chi cho việc sản xuất pin và tái chế pin chỉ riêng ở Mỹ trong năm nay. Điều này đặt Mỹ vào sân chơi bình đẳng hơn với châu Âu, nhưng vẫn xếp sau cường quốc pin Trung Quốc.

Tính đến cuối tháng 11, Mỹ và châu Âu đều có 38 nhà máy sản xuất pin công suất lớn đang hoạt động. Nhưng Trung Quốc đã có 295 dự án đang thực hiện, theo Benchmark Mineral Intelligence.

Các chuyên gia cho biết, ngành công nghiệp pin tiếp tục tìm ra các cách chế tạo pin không phụ thuộc quá nhiều vào các vật liệu có hại, chế tạo các bộ phận bền hơn, tái chế pin cũng đạt được tiến bộ. Nhà phân tích cấp cao Evan Hartley của Benchmark cho biết, chi phí của các nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất pin, bao gồm lithium đã giảm đáng kể.

“Năng lượng sạch hiện nay ít tốn kém, góp phần cho sự tăng trưởng trong năm 2023. Theo IEA, nhiều quốc gia đang áp dụng các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo, với những lo ngại về an ninh năng lượng. Những yếu tố này kiềm chế lãi suất tăng cao và những thách thức dai dẳng trong việc cung cấp nguyên liệu và linh kiện ở nhiều nơi".

 

Hà Anh/daidoanket.vn

Nguồn: https://daidoanket.vn/2023-nam-cua-nang-luong-sach-10270193.html