Ngày 3/10, cuộc họp khởi động Nhóm công tác Cộng đồng phát thải bằng 0
châu Á (AZEC) - chuyển đổi xanh giữa Bộ Công Thương Việt Nam và các đối
tác Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội.
Cuộc
họp khởi động Nhóm công tác AZEC - chuyển đổi xanh giữa Bộ Công Thương
Việt Nam và các đối tác Nhật Bản nhằm sớm đưa ra hành động để thực hiện
các sáng kiến về chuyển đổi năng lượng, cắt giảm phát thải...
Trước đó, tháng 1/2022, Thủ tướng Nhật Bản
tuyên bố Nhật Bản sẽ đóng góp vào quá trình khử carbon châu Á thông qua
sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC).
Theo đó, các quốc gia sẽ nhận được hỗ trợ
tài chính và kỹ thuật rộng rãi thông qua các tổ chức tài chính, tổ chức
phát triển của Nhật Bản như Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC),
Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản
(NEDO), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI)...
Cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm
2050 của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội lần thứ 26
các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu
(COP26) được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021. Cam
kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục
tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng
xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Cần chuyển dịch năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch
Phát biểu lại sự kiện, ông Hoàng Tiến
Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho
biết: Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước
nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong
việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Trong đó,
quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh
thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các
đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.
Việt Nam đã cùng Nhóm các đối tác quốc tế
đưa ra Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác chuyển đổi năng
lượng công bằng (JETP). Tại khu vực ASEAN, Việt Nam và Indonesia là 2
quốc gia đầu tiên tham gia JETP.
Tuyên bố JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện
thực mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đẩy nhanh quá
trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa
thạch sang năng lượng sạch.
Nội dung của Tuyên bố JETP với các mục
tiêu mới như: đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự
kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm phát thải của ngành điện từ 240 triệu
tấn xuống 170 triệu tấn vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của
Việt Nam ở mức 30,2GW từ mức dự kiến là 37GW; đẩy nhanh triển khai năng
lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng
điện vào năm 2030, tăng từ mức dự kiến 39% hiện tại.
Ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, để góp phần
thực hiện cam kết đó, Việt Nam cần chuyển dịch năng lượng từ nguồn nhiên
liệu hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch đi kèm
với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được thể hiện trong Quy
hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm
2050 (Quy hoạch điện VIII).
Quy hoạch điện VIII nêu rõ, Việt Nam cần
tăng cường hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm kêu gọi, sử
dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế như JETP, AZEC… các
nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh… trong quá trình
thực hiện chuyển dịch năng lượng.
Thời gian qua, Cục Điện lực và Năng lượng
tái tạo đã phối hợp với phía Nhật Bản thiết lập Nhóm công tác xúc tiến
chuyển đổi xanh. Nhóm công tác được triển khai với vai trò là đầu mối
tham vấn giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực công – tư Nhật Bản nhằm thúc
đẩy tăng trưởng xanh và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc thành lập và triển khai
Nhóm công tác xúc tiến AZEC còn có vai trò như một mô hình mẫu cho Sáng
kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, hai bên đã giới thiệu cấu
trúc Nhóm công tác AZEC, các trưởng phân nhóm 1, 2, 3 giới thiệu về cấu
trúc cùng các thành viên và hoạt động ưu tiên trong thời gian tới. Hai
bên ra mắt các thành viên trong Nhóm công tác bao gồm: phân nhóm công
tác về chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi xanh các nhà máy điện, phân
nhóm công tác về năng lượng tái tạo, phân nhóm công tác về hệ thống và
thị trường điện.
Về phía Bộ Công Thương, Cục Điện lực và
Năng lượng tái tạo cùng với Cục Điều tiết điện lực sẽ phối hợp chặt chẽ
với phía Nhật Bản xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai những hoạt động
đảm bảo tính hiệu quả trong các phân nhóm này.
Bộ Công Thương kỳ vọng trong thời gian
tới, hai bên sẽ tiến hành các cuộc họp để thảo luận sâu hơn nữa về những
thuận lợi, cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình
triển khai công việc cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển ngành năng lượng nói
chung, ngành điện nói riêng theo định hướng chuyển đổi năng lượng tại
Việt Nam.
Đình Tú
Nguồn:https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Viet-Nam-va-Nhat-Ban-hop-tac-ve-chuyen-doi-xanh-6-8-22480