Việt Nam phát triển hydrogen trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng

Việc sản xuất Hydrogen Xanh từ điện gió ngoài khơi được coi là “chìa khóa” giúp Việt Nam đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tại hội nghị triển khai Chiến lược năng lượng Hydrogen do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/2 tại Hà Nội, các ý kiến cho rằng việc ban hành chiến lược năng lượng hydrogen là hết sức cần thiết, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng Xanh, sạch và bền vững.

Theo Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất năng lượng Hydrogen và các nhiên liệu có nguồn gốc Hydrogen tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, gần với khách hàng tiêu thụ lớn để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydrogen đồng bộ từ sản xuất đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen; phấn đấu sản lượng hydrogen sản xuất từ các quá trình sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen xanh; quá trình khác có thu giữ carbon đạt 100-500 nghìn tấn vào năm 2030 và định hướng khoảng 10-20 triệu tấn vào năm 2050.

Tuy vậy, đây là lĩnh vực mới, do vậy khung pháp lý và nghiên cứu phát triển nhiên liệu hydro Xanh vẫn còn nhiều bất cập. Khó khăn nhất hiện nay là việc chuyển đổi khá lớn về công nghệ sang dùng hydro và khí amoniac, nhưng do giá thành sản xuất vẫn còn cao, vì vậy lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cần phù hợp tính đến các yêu tố về công nghệ cũng như giá thành đối với nguyên liệu hydro.

Bên cạnh đó, các dự án sản xuất hydro chưa thể triển khai do các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể. Đơn cử, để sản xuất hydro Xanh cần nguồn năng lượng tái tạo là điện gió và điện Mặt Trời, trong khi điện gió đã đóng khung trong quy hoạch điện VIII, còn điện tự sản, tự tiêu ở quy mô lớn vẫn chưa có cơ chế cụ thể…, chưa kể việc đặt mục tiêu đến 2030 sản xuất từ 100.000-500.000 tấn hydro là khó khả thi nếu các quy định chưa được sớm ban hành…

Về phía doanh nghiệp, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi năng lượng tại tập đoàn, trong đó có chuyển đổi các nhà máy truyền thống để chuyển sang phối trộn hydro. Đại diện EVN kiến nghị xây dựng cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện hydro, đảm bảo cạnh tranh với các lĩnh vực khác trong hệ thống. Hơn nữa, đây là lĩnh vực mới, cần phải xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro nhằm đảm bảo an toàn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Niệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre kiến nghị cho triển khai thí điểm một vài dự án có quy mô vừa phải ở một số vùng tiềm năng mà không phải chờ các quy định cụ thể như đã nêu nhằm từng bước phát triển thị trường năng lượng hydro phù hợp và đồng bộ về quá trình sử dụng năng lượng đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế như sản xuất điện, giao thông, công nghiệp…

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược năng lượng hydrogen và xây dựng 17 nhóm nhiệm vụ lớn giao cho các đơn vị cụ thể cho các đơn vị liên quan thực hiện.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen được phê duyệt là sự kiện rất quan trọng, nhưng đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Do vậy, để tổ chức thực hiện thành công Chiến lược này, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan thuộc Bộ Công Thương khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tư lệnh ngành Công Thương đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các tổ chức quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng mới này.

“Cần có sự hợp tác với các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để chúng ta có thể tiếp cận công nghệ, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, cũng như hợp tác trong việc sản xuất để bảo đảm rằng giá thành sản xuất nhiên liệu hydrogen ở mức hợp lý, kể cả phục vụ nhu cầu trong nước cũng như phục vụ nhu cầu xuất khẩu,” Bộ trưởng lưu ý thêm./.

Thùy Linh

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-phat-trien-hydrogen-trong-no-luc-chuyen-dich-nang-luong-post930130.vnp