Theo các chuyên gia, các nguồn điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời hay năng lượng xanh sẽ giúp Việt Nam ứng phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng.
Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức ngày 30/11, các chuyên gia đề xuất hướng chuyển dịch nguồn năng lượng tái tạo để ứng phó trong thời gian tới.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Hiện năng lượng nhập khẩu còn cao, tốc độ tiêu thụ trung bình hàng năm tăng 10,5%.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, những thách thức này đòi hỏi phát triển các nguồn năng lượng thay thế nhằm giúp phát triển bền vững, phân tán rủi ro, giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ, năng lượng gió ngoài khơi, mặt trời hay năng lượng xanh thay thế cho việc sử dụng từ than đá. Theo đó, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ mới vào chuyển dịch năng lượng.
Ông mong muốn diễn đàn đưa ra những giải pháp, xu hướng công nghệ mới để nâng cao khả năng khai thác năng lượng tái tạo. Đây sẽ là cơ sở để các bộ ngành tham mưu chiến lược, tổ chức giải pháp, nghiên cứu sử dụng hiệu quả năng lượng, đưa ra định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại sự kiện
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng, dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là điều cần thiết. Liên quan đến các nguồn năng lượng tiềm năng như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, nguồn điện sạch, ông Dũng cho rằng Việt Nam cần phát triển, tiếp nhận chuyển giao, xây dựng công nghệ xây lắp, sản xuất thiết bị, vận hành để nâng cao khả năng sản xuất nguồn năng lượng mới.
Ông Dũng cũng gợi ý một số nguồn khác sẽ được chú ý trong tương lai như sinh học, sinh khối, điện thủy triều hay sóng biển. "Việc phát triển hệ thống lưới điện thông minh cùng công nghệ tích trữ năng lượng kết hợp sẽ góp phần phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai", ông nói.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (giữa) trong phiên thảo luận tại sự kiện
Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc ( UNDP), hiện việc sử dụng năng lượng theo cơ cấu ngành dựa theo mức đóng góp GDP như nông nghiệp, công nghiệp hay ngành khai thác chưa hiệu quả. Theo đó cần có sự chuyển đổi cơ cấu này, tìm kiếm cơ hội thị trường. Ông đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng thị trường thứ cấp, tái sử dụng năng lượng để phát triển bền vững hơn.
Ông Lai cho biết thêm, UNDP đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển năng lượng sạch, trong đó kể đến sản xuất vật liệu không nung, tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.
Là đối tác của Việt Nam trong các chương trình hỗ trợ năng lượng quốc gia, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đánh giá, Việt Nam đang ở giai đoạn tăng mạnh trong việc chuyển đổi năng lượng, trong đó thể hiện ở cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ông cam kết hỗ trợ chương trình chuyển giao công nghệ, giúp mang lại lợi thế cho Việt Nam nhất là trong năng lượng gió đòi hỏi công nghệ đột phá.
Tại phiên thảo luận, đại diện một số doanh nghiệp năng lượng tại Việt Nam và nước ngoài cũng chia sẻ các giải pháp xu hướng công nghệ mới, nhằm cải thiện chất lượng cũng như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Kiran Nair, Công ty ADANI Green Energy (Ấn Độ) cho biết, trí tuệ nhân tạo AI, hệ thống quản lý và giám sát năng lượng dựa trên nền tảng công nghệ đám mây và dữ liệu Big Data cũng sẽ trở thành công nghệ xu hướng chính, sẽ "làm chủ" trong việc phát triển năng lượng sạch như năng lượng mặt trời.
Còn ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital giới thiệu hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS system) áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà độc lập không hòa lưới điện quốc gia. Công nghệ lưu trữ này có thể xử lý các biến động khác nhau của sự quá tải lưới điện, ổn định tần số, giảm chi phí.
Một chiến lược công nghệ mới khác là phát triển tăng hiệu suất tấm pin mặt trời màng mỏng, giúp tối ưu điện năng tạo ra ngay cả nơi có chỉ số bức xạ mặt trời thấp. Ông Tuấn cũng đề xuất thêm sử dụng năng lượng sóng biển, công nghệ green hydro...
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng là hoạt động được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên từ năm 2017. Chương trình là nơi các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững kinh tế đất nước cũng như vấn đề an ninh năng lượng.
Năm nay, diễn đàn hướng tới các chính sách và chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam và thúc đẩy phát triển năng lượng gió trong chuyển năng lượng toàn cầu.
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Viet-Nam-can-chuyen-dich-nhanh-sang-nang-luong-tai-tao-6-8-14133