Triển vọng hydro xanh tại châu Á

Một nghiên cứu khả thi về sản xuất hydro xanh tại châu Á đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

Ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu đang trên đà tiến tới một cuộc cách mạng xanh, với một thông báo gần đây chứng tỏ cam kết ngày càng tăng đối với hydro xanh. Thực vậy, 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ - Asahi Kasei, Gentari Hydrogen Sdn Bhd (thuộc sở hữu của Gentari Sdn Bhd) và JGC Holdings Corporation - gần đây đã hoàn thành một nghiên cứu khả thi chi tiết. Nghiên cứu này nhắm đến việc sản xuất hàng năm lên đến 8.000 tấn hydro xanh, sử dụng một hệ thống điện phân kiềm có công suất 60 megawatt (MW).

Hợp tác giữa Asahi Kasei, Gentari và JGC

Sáng kiến này là một phần của Quỹ Đổi mới Xanh nhằm phát triển hệ thống điện phân nước kiềm ở quy mô lớn và dự án nhà máy hóa chất xanh, được hỗ trợ bởi Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO).

Sự tham gia của dự án vào quá trình chuyển đổi năng lượng

Theo các điều khoản của Biên bản ghi nhớ (MOU) đã ký, các bên đang chuẩn bị nghiên cứu thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED), dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2024, vận hành thử vào năm 2027. Thực tế, sự hợp tác này minh chứng cho cam kết của các công ty trong việc thúc đẩy thị trường hydro xanh và thiết lập cơ sở sản xuất hydro xanh trong khu vực, phù hợp với sứ mệnh khử carbon rộng lớn hơn ở Nhật Bản, Malaysia và toàn khu vực Đông Nam Á.

Tác động chiến lược đến nền kinh tế hydro của Malaysia

Ông Nobuko Uetake, Giám đốc điều hành của Asahi Kasei, đồng thời là Tổng giám đốc Dự án Giải pháp Xanh nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác này: "Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với hai công ty này trong một dự án thể hiện cho thế giới thấy ứng dụng thực tế của hydro xanh. Kinh nghiệm của Asahi Kasei trong các thí nghiệm ở Đức và việc quản lý máy điện phân có công suất 10 MW ở Nhật Bản trong hơn 3 năm sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của dự án này".

Ông Michèle Azalbert, Giám đốc Hydrogen của Gentari nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của sự hợp tác này: "Dự án này là một tác nhân thúc đẩy nền kinh tế hydro của Malaysia tiến gần đến mục tiêu sản xuất 200.000 tấn hydro xanh mỗi năm vào năm 2030, phù hợp với lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia và lộ trình công nghệ và kinh tế hydro. Ngoài ra, Gentari đang phát triển các dự án hydro với các tổ chức quốc gia và tiểu bang, định vị Malaysia trở thành trung tâm hydro hàng đầu của khu vực, tận dụng lợi thế chiến lược của PETRONAS và của đất nước".

Masahiro Aika, Giám đốc điều hành của JGC bày tỏ sự đánh giá cao về những nỗ lực để ký kết MOU: "JGC hiện đang xây dựng một cơ sở sản xuất amoniac sạch để thử nghiệm gần máy điện phân của Asahi Kasei tại Namie-machi, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, với hệ thống điều khiển tích hợp. Chúng tôi mong muốn áp dụng các bài học rút ra từ bản thử nghiệm và sử dụng các kết quả kỹ thuật của nó cho việc thực hiện dự án này ở Malaysia".

Sự hợp tác này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sản xuất năng lượng xanh ở châu Á. Cam kết của các công ty này trong việc phát triển hydro xanh không chỉ minh họa cho một tiến bộ công nghệ mà còn là một bước quan trọng hướng tới quá trình khử carbon và một nền kinh tế bền vững. Dự án này là bằng chứng rõ ràng về khả năng thực tế của hydro xanh như một nguồn năng lượng khả thi và có trách nhiệm với môi trường.

 

Nh.Thạch

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trien-vong-hydro-xanh-tai-chau-a-699569.html