Mới đây, Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của lĩnh vực tài nguyên nước đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trước diễn biến của thiên tai, thời tiết bất thường, công tác quản lý tài nguyên nước thời gian tới phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn. Để thực hiện được điều này, các đơn vị quản lý tài nguyên nước cần phối hợp chặt chẽ, phát huy trí tuệ tập thể cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả, đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị quản lý tài nguyên nước cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình thực thi nhiệm vụ thể hiện rõ vai trò, chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên tất cả các mặt từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến triển khai ngoài thực địa.
Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch lưu vực sông, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Đồng thời, tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông.
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của lĩnh vực tài nguyên nước
Lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo nhiều giải pháp, nhiệm vụ sẽ thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên nước năm 2022.
Cụ thể, theo ông Tống Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, về kế hoạch thực hiện các quy hoạch, trong năm 2022, Trung tâm tiếp tục thu thập bổ sung các thông tin tài liệu, dữ liệu có liên quan; tổ chức hội thảo về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); tiếp tục hoàn thiện công tác mô hình để tính toán các kịch bản quy hoạch, nội dung đánh giá hiện trạng lưu vực sông gồm: tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, kinh tế - xã hội…
Tiếp tục hoàn thiện nội dung dự báo xu thế diễn biến tài nguyên nước, dự báo nhu cầu nước, xây dựng nội dung phân vùng chức năng nguồn nước và xác định lượng nước có thế phân bổ; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia; xây dựng các phương án quy hoạch, phối hợp với tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; họp hội đồng liên ngành thẩm định quy hoạch để lấy ý kiến góp ý trước khi trình lãnh đạo Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự kiến vào tháng 10/2022 đối với lưu vực sông Hồng - Thái Bình và tháng 11/2022 đối với lưu vực sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng tập trung nguồn lực triển khai nhiệm vụ điều tra, đánh giá sạt lở bờ sông và xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ sạt lở các sông chính vùng ĐBSCL.
Theo đó, nhiệm vụ của Trung tâm là tập trung điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung số liệu thủy văn, bùn cát, điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình các sông chính quan trọng ở ĐBSCL; xác định các đoạn sông có nguy cơ xói lở, sạt lở nghiêm trọng; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ sạt lở vùng ĐBSCL. Đồng thời, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình với điều kiện địa chất công trình của từng khu vực dọc các sông lớn góp phần định hướng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông…
Triển khai nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, trong năm 2022, Cục sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên nước, trọng tâm là tập trung rà soát, sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo đáp ứng và giải quyết được các bức xúc, yêu cầu từ thực tiễn.
Cùng với đó, tập trung thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025; hoàn thành và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát việc khai thác sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi toàn quốc; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông…
Đối với nhiệm vụ trong năm 2022, Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước Dương Hồng Sơn cho biết, Viện sẽ tập trung khẩn trương thúc đẩy triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực tài nguyên nước. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng các công nghệ mới trong theo dõi, giám sát tài nguyên nước và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đặc biệt, tập trung xây dựng được một hệ thống cơ sở, thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước đầy đủ, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và hỗ trợ cho quá trình ra quyết định điều hòa phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước các lưu vực sông.
Thanh Bảo (T/H)