Các công cụ tài chính vì mục đích phát triển bền vững đã tiến triển đáng kể và trở thành trụ cột cho quá trình chuyển dịch sinh thái. Kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào giữa những năm 2010, khối lượng nợ bền vững đã tăng gần gấp 10 lần, với hơn 1,7 nghìn tỷ USD tích lũy vào năm 2021. Những khoản nợ bền vững này là yếu tố cần thiết nhằm tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng xanh, kích thích các khoản vay bền vững và hỗ trợ những sáng kiến trung hòa carbon.
“Greenium” – Yếu tố gia tăng sự hấp dẫn đối với nợ bền vững
Chính phủ và nhiều tổ chức tài chính đã chuyển sang sử dụng những công cụ này vì sức hấp dẫn của “greenium” (trái phiếu phát hành vì mục đích huy động tiền cho vấn đề môi trường) đã thu hút họ. Sự nhiệt tình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa các công cụ nợ bền vững. Bên cạnh trái phiếu xanh (chiếm gần 40% thị trường), các dự án sinh thái cũng nhận được sự hỗ trợ từ những trung gian tài chính khác: Trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững và trái phiếu chuyển dịch.
Đổi mới trái phiếu liên kết bền vững (SLB)
Trái phiếu liên kết bền vững (SLB) đánh dấu bước phát triển đáng chú ý. Chúng tạo ra một cách tiếp cận linh hoạt hơn, với những lợi ích khác nhau nhằm đạt được những mục tiêu bền vững mà tổ chức phát hành quyết định. Cấu trúc độc đáo này đặc biệt thu hút các ngành công nghiệp có lượng khí thải carbon cao, mời họ tham gia vào quá trình chuyển dịch sinh thái.
Trung Quốc, gã khổng lồ trên thị trường nợ bền vững
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong xu hướng này. Tại đây, trái phiếu xanh đã phát triển nhanh chóng, đạt số lượng đáng kể 875 tỷ RMB (xấp xỉ 120 tỷ USD) trong một năm, nâng Trung Quốc lên vị trí thị trường trái phiếu xanh lớn thứ hai trên toàn thế giới. Các khoản cho vay xanh cũng tăng trưởng một cách đáng chú ý, chiếm một phần đáng kể trong thị trường cho vay nói chung.
Thị trường Trung Quốc có điểm khác với thị trường của các nền kinh tế thuộc OECD. Đối với những nước khác, tài chính bền vững chủ yếu dành riêng cho khu vực tư nhân. Còn ở Trung Quốc, các ngân hàng nhà nước đóng vai trò chủ đạo, hỗ trợ các lĩnh vực then chốt như năng lượng và công nghiệp – vốn cũng nằm hầu hết dưới sự kiểm soát của nhà nước. Do đó, tại Trung Quốc, hoạt động ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với ở các nền kinh tế thuộc OECD. Ngoài ra, “greenium” không xuất hiện nhiều tại Trung Quốc. Điều này phản ánh rằng quốc gia này có nguồn cung dự án xanh dồi dào so với nhu cầu.
Tài chính - Nền tảng cho tham vọng khí hậu của Trung Quốc
Tham vọng về khí hậu của Trung Quốc đòi hỏi nguồn tài trợ khổng lồ cho các mục tiêu giảm phát thải CO2. Công nghiệp nặng, giao thông vận tải và năng lượng là những lĩnh vực đòi hỏi nhiều đầu tư đáng kể nhất. Còn những ngành khó khử cacbon thì cần có khuôn khổ tài chính và hệ thống phân loại mới, bao gồm các kế hoạch chuyển dịch đổi mới và đáng tin cậy.
Sự gia tăng nợ bền vững đang nổi lên như một thành phần không thể thiếu cho nguồn tài chính đi vào quá trình chuyển dịch sinh thái. Bằng cách thích ứng với nét đặc thù của các nền kinh tế và các ngành, những công cụ tài chính này đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu. Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực này, là minh chứng cho thấy sự nhất quán giữa các chính sách của chính phủ và cơ chế tài chính. Nhờ vậy, họ tạo ra được một nền tảng cho quá trình chuyển dịch năng lượng thành công. Tương lai sẽ quyết định liệu sự hài hòa giữa các quy định và sự phát triển của hệ thống nguyên tắc phân loại có giúp đáp ứng nhu cầu tài chính cho những tham vọng về khí hậu này hay không.
Anh Thư
Nguồn:Trái phiếu xanh: Công cụ hoàn hảo thúc đẩy chuyển dịch năng lượng toàn cầu (petrotimes.vn)