Trong đó, các yếu tố xanh không chỉ cần được đưa vào từ quá trình thi công mà còn cả giai đoạn vận hành, hoạt động. Đặc biệt, để có công trình xanh cần chú trọng hơn nữa đến sản xuất vật liệu tái chế, không gây tác hại đến môi trường.
Tiềm năng lớn, khai thác còn khiêm tốn
Nằm trong số các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ, đến năm 2050 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0. Cam kết này đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như: Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030...
Thúc đẩy phát triển bền vững từ công trình xanh
Trường liên cấp Genesis (Hà Nội), một trong những công trình theo định hướng xanh ở Việt Nam. Ảnh do Trường Genesis cung cấp.
Các bộ, ngành, địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường. Bộ Xây dựng cũng có Quyết định số 385/QĐ-BXD phê duyệt kế hoạch hành động của ngành xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, kéo theo áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng. Về phát triển công trình xanh, đến nay, số lượng công trình xanh của Việt Nam mới đạt khoảng hơn 200 công trình. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam được đánh giá đang ở giai đoạn khởi đầu với chỉ khoảng 2% diện tích sàn xây mới hằng năm được cấp chứng nhận xanh nhưng mức tăng trưởng thể hiện rõ nét. Tốc độ tăng trưởng công trình xanh khoảng 55%/năm trong giai đoạn 2014-2020. Để thúc đẩy hơn nữa phát triển công trình xanh, TS, kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng kiến nghị, cần xây dựng tiêu chí chung về đánh giá công trình xanh, ban hành các quy định quản lý công trình trong vòng đời hoạt động nhằm phục vụ công tác quản lý. Trên cơ sở đó, các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế có cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.
Đẩy mạnh sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường
Để có công trình xanh, việc sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường là yếu tố nền tảng. Đây là những VLXD có khả năng tái chế sau khi sử dụng hoặc tự phân hủy mà không tạo ra các chất độc hay hậu quả cho môi trường. Trong quá trình sử dụng, các loại vật liệu này cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Ngành xây dựng là ngành tiêu hao năng lượng cũng như tiêu tốn tài nguyên cả trong quá trình khai thác, sản xuất và vận hành, trong đó có lĩnh vực VLXD. Những thách thức đang đặt ra hiện nay là đáp ứng được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, thân thiện với con người, môi trường và giải quyết bài toán về tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sức lao động, giá thành, hiệu suất sử dụng cũng như sản xuất đại trà theo hướng tuần hoàn. TS, kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng (Viện Kiến trúc Quốc gia) đánh giá, ở Việt Nam đa phần mới chỉ chú ý và dừng ở mức độ sử dụng các nguồn phế thải từ các ngành công nghiệp như tro, xỉ... để chế tạo các loại VLXD như gạch không nung, xi măng, vật liệu ốp lát... Bên cạnh đó, chúng ta đang đặt ra và định hướng cho việc phát triển các đô thị, nông thôn theo hướng xanh, sinh thái, tiết kiệm năng lượng, bền vững... Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Tất Thắng, mỗi công trình cần phải được xây dựng bằng các nguồn VLXD xanh, bao gồm cả vật liệu thô và hoàn thiện.
Trong việc thiết kế các công trình xanh, sinh thái và bền vững, xu hướng hiện nay là xác định những vật liệu được tái tạo từ các nguồn phế thải địa phương, tại chỗ... Cùng với đó, cần có VLXD nhân tạo được sản xuất từ tái chế các phế thải vô cơ hoặc hữu cơ, tiến tới thay thế vật liệu tự nhiên vốn được sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng. Công trình xanh cũng tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo như sử dụng năng lượng mặt trời, thiết bị quang điện, tấm lợp lấy sáng hay những vườn mưa, loại bỏ ô nhiễm nguồn nước và giảm dòng chảy nước mưa... Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh đã và đang là một trong những ưu tiên của ngành xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng đang bắt nhịp với xu thế đó.
MẠNH HƯNG/Báo Quân đội nhân dân
Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-phat-trien-ben-vung-tu-cong-trinh-xanh-707708