Thách thức và cơ hội của thị trường điện với sự phát triển của năng lượng tái tạo

Bên cạnh những thách thức, thị trường điện Việt Nam hiện nay cũng có nhiều cơ hội với sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Tại tọa đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có bài trình bày về những thách thức và cơ hội của thị trường điện hiện nay với sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Theo ông Ninh, về hệ thống điện Việt Nam hiện nay, đối với tải trọng tải điện quốc gia năm 2019 - 2021, tổng tiêu thụ năng lượng tăng trưởng hàng năm tăng 3,6%, công suất tối đa đạt 6,7%. Quy mô của hệ thống điện của Việt Nam với công suất lắp đặt cập nhật đến 31/5/2022 là 78.121MW. Sản xuất điện trong nửa đầu năm 2022 đạt 111.205 triệu kWh.

Bên cạnh đó, ông Ninh chỉ ra các thách thức trong hoạt động thị trường điện hiện nay như, tắc nghẽn đường dây truyền tải, quá tải với đường dây 220kV, 110kV ở miền Trung và nghẽn mạch ở đường dây truyền tải Bắc - Nam. Ngoài ra, hiện 220 nhà máy điện năng lượng tái tạo chưa được điều động hết do tắc nghẽn cục bộ. Nguy cơ mất ổn định hệ thống và cơ chế khuyến khích cho các dịch vụ phụ trợ không hấp dẫn, theo đó dẫn đến thiếu nguồn dự trữ của năng lượng tái tạo.

“Do tỷ lệ thâm nhập năng lượng tái tạo tại khu vực miền Trung và miền Nam tương đối cao nên vào các buổi trưa, máy phát sẽ vượt quá nhu cầu phụ tải, gây quá tải cho đường dây 500kV. Cụ thể, tổng lượng điện cắt giảm trong dịp Tết Nguyên đán tương đương trang trại năng lượng mặt trời 5.500 MW và năng lượng mặt trời trên mái nhà tương đương 3.500 MW”, ông Ninh phân tích.


Việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo sẽ là bước đi khả thi nhằm giảm đáng kể lượng phát thải, đồng thời mang đến nguồn điện ổn định với chi phí hợp lý…

Thách thức trong vận hành hệ thống điện đã tác động đến quy hoạch thị trường điện như khó dự báo khả năng tái tạo trong quy hoạch dài hạn. Bên cạnh đó, năng lượng mặt trời chủ yếu được tạo ra vào giờ cao điểm ban ngày cũng tác động đến lập kế hoạch và quyết toán thị trường điện.

Tuy còn nhiều thách thức nhưng Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng chỉ ra cơ hội để thị trường điện Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Quy hoạch điện VIII. Cụ thể như, phát triển cơ chế cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là cơ chế cho phép người tiêu dùng lớn mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Các giao dịch mua bán điện giữa các bên được thực hiện thông qua thị trường giao ngay phù hợp với các quy tắc và quy định của thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Ông Ninh cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển dịch vụ phụ trợ; phát triển cơ chế cho hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS). Hệ thống BESS có thể hoạt động như một nguồn tích hợp để cung cấp nguồn dự trữ khi xảy ra chênh lệch giữa cung và cầu trong hệ thống điện (sự cố tổ máy, giảm đột ngột năng lượng tái tạo…). Đồng thời có thể tham gia trực tiếp vào thị trường điện hoặc thị trường dịch vụ phụ trợ.

Bên cạnh đó, ông Ninh nhấn mạnh, thời gian tới, cần thúc đẩy việc thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện thương mại nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của tải trọng dựa trên thị trường. Đồng thời, tạo thị trường tài chính phái sinh mới cho điện như đấu giá hợp đồng, thị trường kỳ hạn, thị trường tương lai. Đặc biệt, cần cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về vận hành hệ thống điện và thị trường.

An Vinh

https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Thach-thuc-va-co-hoi-cua-thi-truong-dien-voi-su-phat-trien-cua-nang-luong-tai-tao-6-8-16912