Tăng trưởng xanh ‘kiểu Úc’

Với mục tiêu trở thành “siêu cường năng lượng sạch” trong tương lai, Australia đặt ra một lộ trình toàn diện để đạt được điều đó.

Điện gió ngoài khơi là một trong những nguồn năng lượng sạch quan trọng trong quy hoạch  năng lượng tương lai của Australia. (Nguồn: blueeconomycrc)

Điện gió ngoài khơi là một trong những nguồn năng lượng sạch quan trọng trong quy hoạch năng lượng tương lai của Australia. (Nguồn: blueeconomycrc)

Thực tế cho thấy, tăng trưởng xanh được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt tới phát triển bền vững. Australia nhận thấy sự cần thiết tham gia vào xu thế năng lượng sạch và chuyển đổi sang Net Zero, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Ngay từ đầu, Canberra vạch ra mục tiêu rõ ràng: “Hãy đi từ kẻ lạc hậu trở thành người dẫn đầu!”.

Từ kẻ lạc hậu thành người dẫn đầu

Từ cuối năm 2021, chính phủ Australia chính thức công bố mô hình đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó công nghệ đóng vai trò trọng tâm.

Trong tài liệu về mô hình phát triển dày 100 trang đề cập các biện pháp đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và các tác động tới nền kinh tế, Australia đã đưa ra bốn mục tiêu cần thực hiện.

Thứ nhất là giảm tổng lượng phát thải và cường độ phát thải trong quá trình sản xuất và tiêu dùng kinh tế. Việc khai thác than giảm 50% vào năm 2050 trong khi hoạt động xuất khẩu than và khí gas giảm trong thời gian tới.

Thứ hai là tăng cường hấp thụ carbon thông qua việc trồng rừng, trồng thêm cây trong các trang trại và tăng cường hiệu quả của việc quản lý lâm nghiệp.

Thứ ba là tăng mua bán hạn ngạch khí thải với các nước trong khu vực.

Cuối cùng là thúc đẩy các công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.

Trong đó, phát triển công nghệ giảm phát thải là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, các công nghệ sẽ được Australia ưu tiên phát triển trong thời gian tới gồm hydro xanh, năng lượng mặt trời giá thấp, lưu trữ năng lượng, thép phát thải thấp, nhôm phát thải thấp, công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, carbon đất.

Hiện tại, Australia đã có kế hoạch đầu tư 21 tỷ AUD (khoảng 13,69 tỷ USD) đến năm 2030 để giúp phát triển các công nghệ này. Bằng cách khai thác xu hướng chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu, ngành công nghiệp Australia có thể nâng thu nhập quốc dân thêm 40 tỷ USD vào năm 2050.

Theo mô hình trên, việc phát triển và ứng dụng các công nghệ mới không chỉ giúp giảm khí phát thải mà còn hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động này đến nền kinh tế.

Cụ thể, mô hình dự báo việc phát triển công nghệ mới sẽ tạo ra khoảng 100.000 việc làm mới trong các ngành này tại Australia. Trong đó, 62.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành khai thác mỏ và công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, sở hữu các công nghệ phát thải thấp sẽ góp phần làm kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng gấp ba lần vào năm 2050.

Các nhà lãnh đạo Australia từng nhiều lần khẳng định, do đặc thù riêng nên nước này không sử dụng thuế mà sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 bằng cách thức riêng. Theo đó, trọng tâm thúc đẩy phát triển và áp dụng công nghệ giảm phát thải được hy vọng sẽ là mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp Canberra cắt giảm khí thải, vừa tạo thêm nhiều việc làm trong một nền kinh tế năng lượng mới.

Nỗ lực thành siêu cường hydro xanh

Đánh giá về chiến lược trở thành người dẫn đầu của Canberra, TS. Steve Hatfield-Dodds, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm EY Net Zero (Australia) cho biết, bằng cách phát huy thế mạnh, Canberra có vị trí thuận lợi để đạt được vị thế siêu cường năng lượng tái tạo, đồng thời đáp ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Thế giới đang rời xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới năng lượng sạch. Australia có nhiều nguồn năng lượng tái tạo, chi phí thấp như gió và mặt trời. Australia còn giàu khoáng sản như quặng sắt, đồng và lithium… Đó sẽ là sự kết hợp của cả hai thế mạnh có khả năng đưa chúng ta lên vị trí dẫn đầu”, TS. Hatfield-Dodds tin tưởng.

Từng bước vững chắc tới mục tiêu đã đặt ra, chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese cam kết chi 2 tỷ AUD để đầu tư vào một chương trình hỗ trợ các dự án hydro quy mô lớn giai đoạn 2026-2027 và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của đất nước.

Hydro xanh vốn được gọi là chìa khóa để cắt giảm khí thải. Như Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Chris Bowen nhận định, đây là khoản đầu tư vào một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong tương lai của Australia bởi hydro xanh có một vai trò quan trọng và mang lại cơ hội lớn cho “xứ sở chuột túi”.

Bên cạnh đó, chính phủ sẽ cung cấp cho các hộ gia đình khoản vay lãi suất thấp với tổng trị giá 1,3 tỷ AUD để họ sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, thực hiện các cải tiến như lắp kính hai lớp và các tấm thu năng lượng mặt trời trên mái nhà.

Theo nhận định của TS. Steve Hatfield-Dodds, dù sở hữu cơ sở hạ tầng năng lượng hiện đại và hoàn thiện, có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu, nhưng việc có tầm nhìn dài hạn là điều cần thiết để Australia đạt được “vị thế siêu cường”. Một trong những tầm nhìn mới là “phát triển và củng cố khả năng cung cấp năng lượng khi mặt trời không chiếu sáng và gió không thổi”.

Ngoài ra, theo nhà quản lý cấp cao Patrick Viljoen của ESG tại CPA Australia, nếu Australia muốn trở thành những nhà lãnh đạo thực sự trong lĩnh vực năng lượng xanh sạch, Canberra phải đưa “những người hàng xóm” đi cùng trong hành trình.

Phát triển kinh tế song hành bảo vệ môi trường

Theo TS. Michael Parsons, thuộc Chương trình tình nguyện viên Australia vì sự phát triển quốc tế (AVID), cố vấn chính sách của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, tăng trưởng xanh bắt đầu bằng việc từ bỏ quan niệm lạc hậu cho rằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không thể song hành, hướng tới tối đa hóa sự kết hợp giữa hai phạm trù này.

Australia đã giải quyết bài toán vừa tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm môi trường bền vững bằng cách sớm đặt ra những điều luật khá chặt chẽ.

Theo đó, một số quy hoạch, dự án phải có phê duyệt hoặc giấy phép từ cơ quan công quyền điều tiết các vấn đề về môi trường. Hầu hết các bang và vùng lãnh thổ đều có cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng phê duyệt các điều kiện thực hiện, đồng thời tiến hành điều tra các hành vi bị cáo buộc gây hại cho môi trường.

Kinh nghiệm tại Australia cho thấy, khi xử lý bất cứ vụ vi phạm nào, đều phải xét đến hai khía cạnh, doanh nghiệp cố tình xả thải hay chỉ là một “tai nạn” đáng tiếc xảy ra trong quá trình xử lý môi trường.

Thêm một điểm cần quan tâm đặc biệt, đó là phải kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan ngay từ khi cấp phép dự án đầu tư mới, không nên vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi môi trường.

Phan Thanh

Nguồn:Tăng trưởng xanh ‘kiểu Úc’ (baoquocte.vn)