Tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi, hợp tác với các nước và đối tác quốc tế khác đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU ở Brussels (Vương quốc Bỉ), các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP).
Thỏa thuận này sẽ huy động khoản tài chính công và tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Thỏa thuận JETP hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, hiện thực mục tiêu đầy cân bằng phát thải vào năm 2050. Ảnh: TNG
JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới như: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30.2GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại.
Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng này sẽ giúp giảm tổng cộng khoảng 200 triệu tấn phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và giảm thêm 300 triệu tấn vào năm 2035, giúp giảm tổng cộng lượng phát thải khí nhà kính khoảng 500 triệu tấn đến năm nhờ JETP, và tiếp tục giảm phát thải nhiều hơn sau đó. Trong 12 tháng tới, với sự hỗ trợ của các nước đối tác, Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch Huy động Nguồn lực JETP để triển khai chiến lược và góp vốn của JETP.
Việt Nam là quốc gia thứ ba ký kết JETP sau thành công của JETP với Nam Phi trong COP26 và JETP với Indonesia trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm nay. JETP của Việt Nam được xây dựng trên Đối tác G7 về Đầu tư Hạ tầng Toàn cầu (PGII) của Vương quốc Anh nhằm thu hẹp khoảng trống đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Đảm bảo việc chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch một cách “công bằng” là trọng tâm của JETP. Một quá trình chuyển dịch công bằng không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn đảm bảo một tương lai chắc chắn và thịnh vượng cho người dân, giảm các tác động của ô nhiễm, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra công ăn việc làm. Vì vậy toàn thể xã hội dân sự cần tham gia vào mọi giai đoạn của quá trình chuyển dịch xanh và không để một ai bị bỏ lại phía sau.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres khẳng định, với thỏa thuận này, Việt Nam đang đi đầu trong việc xây dựng một mô hình hợp tác mới nhằm đạt được việc chuyển dịch năng lượng công bằng, bao trùm thông qua năng lượng tái tạo. Các cam kết đối tác này là một công cụ quan trọng để giảm phát thải trong thập kỷ 2020 mà thế giới chúng ta đang cần.
Trần Hoàng
Nguồn: Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi năng lượng sạch (thiennhienmoitruong.vn)