Trước các nguy cơ từ biến đổi khí hậu, nhiều nông dân tại Jammu và Kashmir (Ấn Độ) đã chuyển từ trồng ngô sang hoa oải hương để chống hạn hán.
Cây hoa oải hương không cần tưới quá nhiều nước. (Ảnh: Guardian)
Tờ Guardian (Anh) đưa tin, đã vào cuối tháng 6 và những cánh đồng tại ngôi làng Lehrote ở Doda thuộc Jammu tràn ngập sắc tím với mùi thơm nồng đặc trưng của hoa oải hương. Hơn 200 nông dân tại đây đã chuyển sang trồng oải hương, khởi động “cách mạng tím” tại địa phương.
Cây hoa oải hương có thể trồng và phát triển ở đất nghèo dinh dưỡng, không cần nhiều nước nhưng ưa nắng Mặt Trời.
Viện nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ đã trao tặng giải thưởng danh giá về sáng tạo cho nông dân Bharat Bhushan (43 tuổi) tại làng Lehrote. Ông Bharat Bhushan chia sẻ: “Hoa oải hương rất dễ trồng và không cần tưới nhiều nước. Tôi cũng chỉ sử dụng phân bò để bón cây”. Chỉ trong vòng 2 năm, thu nhập của ông đã gấp 4 lần so với quãng thời gian trồng ngô trước đây.
“Thấy tôi thành công, nhiều người cũng học theo và hiện nay có trên 500 nông dân trong khu vực cũng trồng oải hương”, ông Bhushan bộc bạch. Hiện nay ông đã trang bị thêm máy chiết xuất tinh dầu từ hoa oải hương. Một hecta đất trồng hoa oải hương có thể giúp người nông dân thu về 30-45 lít tinh dầu.
Ông Bhushan cũng chia sẻ: “Nhu cầu nội địa với tinh dầu hoa oải hương vẫn khá cao. Chúng tôi bán tinh dầu chưng cất trực tiếp cho khách hàng công nghiệp tại các thành phố ở Ấn Độ như Mumbai và New Delhi. Chúng tôi còn bán hoa oải hương cho người kinh doanh hoa khô hoặc sản xuất xà phòng và chất làm thơm phòng.
Ông Bhushan lấy cảm hứng trồng hoa oải hương từ đoạn video một hội nghị năm 2016 trong đó Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Hội đồng Nghiên cứu Công nghiệp, Khoa học (CSIR) phát động chương trình “Nhiệm vụ Mùi thơm” khuyến khích những người nông dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trồng các loại cây như oải hương, xả, hương thảo và cây thuốc như ashwagandha.
Hà Linh KTMT