Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khi áp dụng giải pháp năng lượng xanh

Việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và các công nghệ tiên tiến không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng và hợp tác quốc tế.

 

Chiều 14/11, tại TP. Cần Thơ, Sở Công thương TP. Cần Thơ phối hợp với Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia và Hua Wei tổ chức Hội thảo “Năng lượng xanh, chính sách và giải pháp thực tiễn cho các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long".

Sự kiện thu hút hơn 400 đại biểu là doanh nghiệp, đại diện các Sở Công thương và các ban, ngành… của các địa phương trong vùng tham dự.

Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia  (VANZA) phát biểu tại Hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam - Asia (VANZA) cho rằng: “Khu vực ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số, cho đến nhu cầu cấp bách về chuyển đổi xanh để duy trì sản xuất và phát triển kinh tế bền vững.

Việc áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, và các công nghệ tiên tiến không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng và hợp tác quốc tế. Mong rằng thông qua những kiến thức và kinh nghiệm tại Hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp và các tổ chức có thêm cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo phù hợp, đồng thời góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam đạt Net Zero vào năm 2050”.

Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho rằng cần phải có những giải pháp hữu hiệu để làm sao vừa tạo ra giá trị sản xuất nhưng phải đảm bảo được theo xu hướng phát triển cũng như những cam kết của Chính phủ.

 

Còn ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ khẳng định, chuyển đổi năng lượng xanh là xu thế tất yếu và yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hướng tới một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam.

Ông Sơn cho biết, vừa qua một số doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn TP. Cần Thơ đã được các đối tác thông báo là tới năm 2025 sẽ có những rào cản chính thức đối với một số thị trường như châu Âu, Nhật Bản và một số nước khác nếu như doanh nghiệp không có những chỉ số sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch thì sẽ bị áp thuế môi trường và chứng chỉ carbon.

Theo ông Sơn, đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta cần phải có những giải pháp hữu hiệu để làm sao vừa tạo ra giá trị sản xuất nhưng phải đảm bảo được theo xu hướng phát triển cũng như những cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế.

“Tôi tin tưởng rằng, tại Hội thảo hôm nay, với kinh nghiệm của VANZA, cũng như của các diễn giả, các nhà khoa học sẽ có những giải pháp khuyến cáo hữu hiệu cho các doanh nghiệp”, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ bày tỏ.

Hiện nay, nhu cầu năng lượng tăng mỗi năm 15% trong 10 năm qua, và theo dự báo sẽ tiếp tục tăng trung bình mỗi năm 12% trong thập kỷ tới. Đến năm 2030, dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo không chỉ là xu thế mà còn là một phần trong chiến lược phát triển bền vững.

Theo Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đến năm 2035, khu vực ĐBSCL có thể khai thác hơn 68.600 MW điện gió trên đất liền và hơn 31.500 MW điện mặt trời, thể hiện một nguồn lực kỹ thuật lớn cho việc phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng xanh trong tương lai.

Chia sẻ về điện mặt trời mái nhà, tự sản xuất, tự tiêu, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Năng lượng tái tạo - Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) đã nêu những lợi ích của giải pháp năng lượng xanh. Đó là góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ; giảm chi phí năng lượng trong bối cảnh giá điện có xu hướng tăng; đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tại các thị trường đòi hỏi sản phẩm xanh, từ đó gia tăng hạn ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thêm lợi nhuận do tạo ra, bán được chứng chỉ năng lượng tái tạo (I-REC).

Hướng đến phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị thương hiệu, đặc biệt trong khía cạnh năng lượng, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã chủ động các giải pháp, đầu tư tiết kiệm năng lượng, và được xem là điểm sáng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất Vinamilk chia sẻ các giải pháp năng lượng xanh tại Hội thảo.

 

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất Vinamilk cho biết, đến nay, hệ thống 13 nhà máy của Công ty đều đạt chuẩn quốc tế. Hiện Vinamilk đã sử dụng 87% năng lượng xanh thay thế cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sản xuất; 100% nhà máy của Công ty sử dụng đèn led chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Qua đó, tiết kiệm hơn 877.125 kWh điện năng trong năm 2023; đồng thời, có 100% nhà máy tiến hành kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064…

Vinamilk đề ra lộ trình đến năm 2027 giảm 15% khí nhà kính phát thải, đến năm 2035 giảm 55% khí nhà kính phát thải và đến năm 2050 đạt mục tiêu Net Zero. Theo ông Lê Hoàng Minh, các giải pháp Vinamilk thực hiện gồm: Sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững; sử dụng các nguồn năng lượng xanh- sạch-tái tạo; bao bì phát thải thấp; phát triển sản phẩm carbon thấp; logistics thân thiện với môi trường tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn…

Với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh và quản lý tối ưu hóa năng lượng, Huawei đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và cải thiện hiệu suất vận hành. Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Trưởng phòng giải pháp - Huawei Digital Power cũng đã chia sẻ các giải pháp của Huawei không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và chiến lược trung hòa carbon của Việt Nam.

Tại Hội thảo đã diễn ra tọa đàm về chủ đề “Năng lượng xanh - Động lực phát triển bền vững cho ĐBSCL". Tọa đàm đã đề cập xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, đầu tư vào công nghệ tiên tiến, và mô hình hợp tác công - tư để hỗ trợ chuyển đổi xanh. Tọa đàm cũng cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh, và chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án năng lượng thành công, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp địa phương, và tạo tiền đề cho một nền kinh tế xanh và bền vững cho ĐBSCL.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Công ty Tư vấn Điện 3 (PECC3) và Công ty cổ phần Chiếu xạ Cần Thơ về hợp tác sâu rộng trong nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, lắp đặt và thi công hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà máy của Công ty cổ phần chiếu xạ Cần Thơ, góp phần tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

 

Là một tổ chức hướng tới phát triển xanh và bền vững, VANZA đã theo dõi sát sao cộng đồng doanh nghiệp trong nước và tổ chức hội thảo để cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ và trao đổi thông tin, quan điểm, hướng tới phát triển bền vững.
 

Trúc Giang 

Theo Báo Đầu tư

https://baodautu.vn/nhieu-loi-ich-cho-doanh-nghiep-khi-ap-dung-giai-phap-nang-luong-xanh-d230065.html