Lượng khí thải carbon kỉ lục của Trung Quốc dự kiến đạt đỉnh do thúc đẩy năng lượng sạch.
Lượng khí thải tăng
Lượng khí thải carbon của Trung Quốc có thể đạt kỷ lục mới vào năm 2023 nhờ sự phục hồi kinh tế, nhưng việc mở rộng nhanh chóng năng lượng xanh cũng khiến lượng khí thải của nước này sớm đạt đỉnh, một tổ chức tư vấn năng lượng toàn cầu thông tin.
Trung Quốc - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - có lượng khí thải carbon dioxide tăng 4% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 3 tỉ tấn, theo báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho trang web Carbon Brief. Đây là con số quý đầu tiên cao nhất được ghi nhận.
Tổ chức tư vấn có trụ sở tại Helsinki cho hay, yếu tố thúc đẩy mức tăng này là phục hồi kinh tế sau khi chính sách zero-COVID của Trung Quốc kết thúc, các biện pháp kích thích kinh tế và sản xuất thủy điện yếu do hạn hán đang xảy ra.
Nhà phân tích tại CREA Lauri Myllyvirta và Qi Qin chia sẻ: “Nhìn vào thời gian còn lại của năm, việc chính phủ tập trung vào tăng trưởng kinh tế có nghĩa là lượng khí thải của Trung Quốc có khả năng đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2023, vượt qua mức cao nhất trước đó vào năm 2021”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra, lượng khí thải có thể sớm đạt đỉnh do Trung Quốc đã tăng tốc thúc đẩy năng lượng sạch và lắp đặt lượng năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở mức kỷ lục.
“Việc mở rộng nhanh chóng ở mảng năng lượng carbon thấp, nếu được duy trì lâu dài, có thể khiến lượng khí thải đạt đỉnh và bước vào suy giảm cấu trúc, một khi quá trình phục hồi hậu COVID-19 diễn ra" - các nhà nghiên cứu nói.
Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trong quý đầu tiên của năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GDP lên 4,5%, theo số liệu thống kê chính thức được công bố vào tháng trước. Chính phủ trước đó đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” cho năm 2023 dù nhiều ngân hàng đầu tư đã nâng dự báo lên trên 5,5%.
Các yếu tố đóng góp
Đóng góp lớn nhất vào việc tăng lượng khí thải là sản xuất điện. Báo cáo cho thấy, sản lượng điện từ than ở Trung Quốc tăng 2% so với một năm trước. Than là nguồn năng lượng chính ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi để sưởi ấm, phát điện và luyện thép.
Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuất than từ mùa hè năm ngoái khi đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ảnh hưởng tới thủy điện, nguồn năng lượng lớn thứ hai của đất nước. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng than trong năm 2022 tăng 11% so với năm 2021.
Để tăng cường nhập khẩu than, Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế với than của Australia vào đầu năm nay, chấm dứt hiệu quả lệnh cấm không chính thức kéo dài hơn 2 năm. Trong quý đầu tiên, tổng lượng than nhập khẩu của Trung Quốc tăng vọt 96% so với một năm trước đó.
Các nhà phân tích của CREA cho hay, lý do lớn thứ 2 khiến lượng khí thải tăng là khối lượng sản xuất vật liệu xây dựng cao hơn, chủ yếu là thép và xi măng. Điều này chủ yếu là bởi các biện pháp kích thích của chính phủ với ngành sản xuất và xây dựng.
“Lượng phát thải có thể sẽ tăng trong năm nay” khi chính phủ đang theo đuổi cách tiếp cận trên diện rộng để phục hồi kinh tế nhằm tìm cách thúc đẩy xuất khẩu, sản lượng sản xuất và xây dựng cùng với tiêu dùng.
Điều này sẽ dẫn đến hoạt động cho vay và đầu tư của ngân hàng tăng mạnh, đặc biệt là với sản xuất, vận tải và sản xuất năng lượng, các nhà nghiên cứu nói thêm.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn coi năng lượng sạch là tương lai của đất nước. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại tầm nhìn của ông về một Trung Quốc “xanh” và “đẹp” vào tháng 2, đồng thời kêu gọi cuộc cách mạng năng lượng để đạt được mức trung hòa carbon trong dài hạn.
Công suất lắp đặt năng lượng mặt trời đã tăng lên mức kỷ lục 34 gigawatt (GW) trong 3 tháng đầu năm nay, gần gấp 3 lần mức cao trước đó là 13GW trong cùng kì năm 2022, theo số liệu mới nhất do Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc công bố.
Việc lắp đặt điện gió mới cũng đạt mức cao kỷ lục. Số liệu của NEA cho thấy, 10,4GW được bổ sung trong 3 tháng tính đến tháng 3.2023, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022.
Các nhà phân tích của CREA nhận định, những nguồn năng lượng này, bao gồm cả năng lượng tái tạo và hạt nhân, đã vượt quá 50% công suất điện lắp đặt của Trung Quốc trong quý đầu tiên, lần đầu trong lịch sử vượt qua công suất nhiên liệu hóa thạch.
“Khi tăng trưởng năng lượng carbon thấp tương ứng - và sau đó vượt quá - nhu cầu điện tăng hàng năm, lượng khí thải CO2 của ngành sẽ đạt đỉnh điểm" - CREA lưu ý.
Thanh Hà
Nguồn:Nghịch lý khi Trung Quốc thúc đẩy năng lượng sạch (laodong.vn)