Xử lý các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp: Trách nhiệm, công khai và minh bạch

EVN công khai các thủ tục pháp lý còn thiếu trong hồ sơ của các chủ dự án điện tái tạo chuyển tiếp. Đây là động thái công khai, công bằng, minh bạch.

Theo báo cáo của EVN, hiện cả nước có 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Trong đó có 77 nhà máy, phần nhà máy điện gió với tổng công suất 4185,4 MW và 8 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 506,66 MW.

Các dự án này được triển khai xây dựng nhằm tận hưởng cơ chế giá FIT theo các Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích điện mặt trời và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về cho điện gió do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên vì nhiều lý do chủ quan, khách quan nên các dự án điện gió, điện mặt trời không hoàn thành đấu nối kịp trước thời hạn 31/12/2020 và 31/10/2021.

Do rơi đúng vào thời điểm chưa có cơ chế giá, cộng với các dự án còn thiếu nhiều thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật và các yếu tố khác nên chưa thể nghiệm thu, vận hành thương mại chủ đầu tư gặp khó khăn, thậm chí nhiều địa phương, chủ đầu tư “kiến nghị” lên Thủ tướng và các bộ, ngành khiến báo chí tốn không ít giấy mực.

Đứng trước những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý ngành đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư như: Chỉ đạo các đơn vị chức năng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN - đơn vị mua điện) rà soát, ban hành hàng loạt văn bản, hướng dẫn địa phương, chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật; Đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp hợp lý, tối ưu cho các bên và đạt được mục đích đẩy nhanh quá trình thủ tục nghiệm thu, đàm phán giá, ký kết hợp đồng mua bán điện; Huy động sớm nguồn điện năng lượng tái tạo sẵn có.

Cùng với đó, chỉ đạo ngành điện đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải để sẵn sàng tiếp nhận công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

Xử lý các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp: Trách nhiệm, công khai và minh bạch

Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị với Chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Vào cuộc với Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN cũng nhanh chóng xây dựng các thủ tục, quy trình hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng các phần mềm dự báo, tính toán các phương án huy động nguồn năng lượng tái tạo; Chủ động hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của các chủ đầu tư qua nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến; Tổ chức đàm phán giá; Linh động ký kết tạm hợp đồng mua bán song song với quá trình báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt.

Xử lý các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp: Trách nhiệm, công khai và minh bạch

Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Đặc biệt, EVN đã cập nhật công khai, minh bạch các loại văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng tái tạo nói chung, các dự án chuyển tiếp nói riêng; công khai mọi thủ tục hành chính, quy trình; tài liệu, hồ sơ… trên nền tảng điện tử để các chủ đầu tư biết thực hiện. Đây là công cụ vừa đảm bảo thông tin kịp thời, vừa giúp công tác giám sát hữu hiệu cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như của doanh nghiệp, người dân.

Xử lý các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp: Trách nhiệm, công khai và minh bạch

Công khai thông tin về thủ tục các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Nhiều ý kiến cho rằng, sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương/EVN cũng như việc công khai minh bạch thông tin, quy trình thủ tục thể hiện rõ trách nhiệm, nỗ lực của cơ quan quản lý, bên quản lý, vận hành hệ thống điện trong việc đồng hành, tháo gỡ, xử lý các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, cũng để toàn xã hội nắm bắt được thông tin đầy đủ về các dự án chuyển tiếp; sự chấp hành, tuân thủ pháp luật của các chủ đầu tư năng lượng tái tạo, đặc biệt là quan điểm chia sẻ rủi ro với khó khăn của ngành điện; tránh tình trạng kêu than chung chung, hoặc có những ý kiến chưa đúng, chưa đủ làm dư luận hiểu sai bản chất vấn đề hoặc hiểu lầm rằng có khuất tất gì mà EVN im ỉm trong đàm phán giá với chủ đầu tư cũng như hiểu chưa đúng về những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành điện đang giải quyết.

Trên thực tế, với sự hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Công Thương; sự vào cuộc của EVN và các chủ đầu tư, đến nay đã có khoảng 60/85 chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chưa có giá) đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó, 43 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/1/2023 của Bộ Công Thương. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 40/43 dự án. Tập đoàn cũng đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với 40/43 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm.

Ngoài ra, 19 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.

Xử lý các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp: Trách nhiệm, công khai và minh bạch

Tính đến ngày 30/5, đã có 5 dự án/phần dự án với tổng công suất 304,72MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại (COD). Và con số này sẽ tăng lên trong thời gian sắp tới. Đây là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực giải quyết của Bộ Công Thương/EVN theo đúng quy định của pháp luật và quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”!

Đình Dũng

 

Nguồn:https://congthuong.vn/xu-ly-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-chuyen-tiep-trach-nhiem-cong-khai-va-minh-bach-256285.html