Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo ngoài khơi trong nước, hiện nay rất nhiều các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, mong muốn tham gia vào lĩnh vực này ở nước ta. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trong nước đã khẳng định năng lực làm chủ công nghệ, kỹ thuật và sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này.
Việt Nam có tiềm năng hấp dẫn về năng lượng tái tạo ngoài khơi
Năng lượng gió ngoài khơi (offshore wind energy) hiện đang thu hút sự quan tâm lớn của thế giới với những mục tiêu đầy tham vọng. Các quốc gia đang dành sự đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này nhằm định hình một ngành năng lượng tiềm năng đáp ứng xu thế phát triển xanh trên toàn cầu. Với tiềm năng được đánh giá hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam cũng đang có những khởi đầu để bước vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư
Có rất nhiều các nhà đầu tư/ nhà phát triển dự án đã đăng ký các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) tại các địa phương ở nước ta. Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII có quy chiếu tới 97 dự án điện gió ngoài khơi, tổng công suất: 154.436 MW.
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 25/8 ở Hạ Long, Tập đoàn BP (Anh quốc) và Công ty Cổ phần Tập đoàn SOVICO (Việt Nam) đề xuất đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Quảng Ninh. Dự án này có công suất dự kiến khoảng 3GW. Dự án sẽ được phát triển theo từng giai đoạn, giai đoạn đầu từ năm 2027 đến năm 2030 với công suất 500MW; giai đoạn hai, giai đoạn ba với tổng công suất 2,5GW từ năm 2030 đến năm 2035.
Nhiều đối tác nước ngoài như: Equinor (Na Uy), Sembcorp (Singapore), GS Energy (Hàn Quốc), RENOVA (Nhật Bản), AES (Hoa kỳ), Corio Generation (tập đoàn đa quốc gia),… gần đây đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với Petrovietnam trong phát triển lĩnh vực NLTTNK tại Việt Nam.
Mô phỏng một dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh: GWEC
Tại sao nhiều đối tác nước ngoài lại tìm đến Petrovietnam để đặt vấn đề hợp tác trong phát triển NLTTNK?
Có thể khẳng định rằng, với vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Petrovietnam cho thấy có đủ năng lực và điều kiện thuận lợi để phát triển trong lĩnh vực NLTTNK. Đây cũng là xu hướng chuyển đổi trong xu thế chuyển dịch năng lượng của rất nhiều các tập đoàn, công ty dầu khí trên thế giới.
Điểm mạnh của Petrovietnam khi tham gia chuyển dịch năng lượng nói chung và đặc biệt là NLTTNK nói riêng là: Có năng lực tài chính mạnh; có sự liên kết tương hỗ trong chuỗi giá trị dầu khí thông qua 5 lĩnh vực chính bao gồm (Tìm kiếm, thăm dò, khai thác; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Chế biến dầu khí; Dịch vụ dầu khí); Quan hệ hợp tác rộng rãi với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng nên có cơ hội hợp tác, hấp thu tri thức, công nghệ về chuyển dịch năng lượng; Tận dụng kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng từ chuỗi giá trị dầu khí như: Hệ thống cơ sở vật chất, kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình trên biển;… Đặc biệt, hoạt động dầu khí, các công trình dầu khí biển có nhiều điểm tương đồng với NLTTNK.
Tại buổi làm việc với Petrovietnam ngày 11/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ phải xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, là doanh nghiệp chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất... Thủ tướng tán thành với các mục tiêu và nhiệm vụ mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định, đồng thời yêu cầu Tập đoàn đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, xử lý phù hợp với các vấn đề trong cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nội lực trong lĩnh vực NLTTNK của nước ta
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cho biết, Tập đoàn và các đơn vị thành viên như Vietsovpetro, PTSC… đã có kinh nghiệm tham gia các dự án NLTTNK trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Petrovietnam cũng có nhiều thuận lợi để triển khai phát triển NLTTNK. Đây là định hướng phát triển chiến lược trong tương lai của Tập đoàn.
Ørsted (của Đan Mạch) - Công ty dẫn đầu toàn cầu về điện gió ngoài khơi và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) vừa ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) để khởi động quan hệ hợp tác trong các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Ørsted (của Đan Mạch) - Công ty dẫn đầu toàn cầu về điện gió ngoài khơi và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) để khởi động quan hệ hợp tác trong các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) hiện là đơn vị duy nhất trong Petrovietnam có đầy đủ cơ sở pháp lý để đầu tư, phát triển các dự án NLTTNK. Với việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao hàng đầu khu vực và có uy tín trên thế giới, hiện nay PTSC đã cung cấp hoàn chỉnh chuỗi dịch vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn. PTSC có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển sang lĩnh vực NLTTNK một cách nhanh chóng và hiện nay gần như có thể làm được hết các công đoạn trong lĩnh vực này. Có thể khẳng định, PTSC hiện là nhà tổng thầu có năng lực hoàn thiện nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực NLTTNK.
Trong chiến lược phát triển, PTSC đặt mục tiêu đưa lĩnh vực NLTTNK trở thành một lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đóng tỷ trọng lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty; làm chủ về công nghệ thiết kế; làm nhà cung cấp hàng đầu dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực NLTTNK tại Việt Nam và trong khu vực; trở thành nhà đầu tư/nhà phát triển lớn trong lĩnh vực NLTTNK tại Việt Nam.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu trên, hiện nay PTSC đã đẩy mạnh chuyển đổi cung cấp dịch vụ và từng bước tham gia sâu vào cung ứng dịch vụ cho các dự án NLTTNK trên thế giới. Tính đến nay, PTSC đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 20 dự án điện gió, trong đó có 3 dự án điện gió ngoài khơi, đồng thời tiếp tục tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ cho các dự án NLTTNK trên thế giới. Gần đây nhất, vào tháng 08/2022, Công ty Hai Long Offshore Wind Power đã trao hợp đồng Tổng thầu EPC cho liên danh Semco Maritime và Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C) để xây dựng 02 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation) thuộc Dự án Điện gió Hai Long 2 và Hai Long 3 nằm ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Trần Hồ Bắc - Phó Tổng giám đốc PTSC giới thiệu với các nhà báo về dự án năng lượng gió ngoài khơi PTSC đang tham gia cung cấp dịch vụ
Cùng với PTSC, thì trong Petrovietnam, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro cũng là một trong những đơn vị được xác định có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tham gia vào lĩnh vực NLTTNK. Vietsovpetro là đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, từ khâu khảo sát địa chấn, tìm kiếm thăm dò, khai thác, thu gom, xử lý, vận chuyển, tàng trữ và bán các sản phẩm dầu, khí và condensate, nghiên cứu khoa học, khảo sát thiết kế, xây dựng và phát triển các mỏ dầu khí, thiết kế và xây dựng các công trình dầu khí. Với nguồn lực tài chính tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu rõ về công nghệ NLTTNK; có trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phù hợp (hệ thống cảng biển, dịch vụ logistic, đội tàu dịch vụ,…); có các đối tác đầu tư lớn, kinh nghiệm trên thế giới về NLTTNK, Vietsovpetro mong muốn cởi trói về cơ chế để có thể tận dụng nguồn lực của mình tham gia vào lĩnh vực NLTTNK. Qua đó giúp gia tăng doanh thu và đóng góp vào ngân sách nhà nước, phát triển bền vững Vietsovpetro phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.
TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, với những kinh nghiệm của ngành Dầu khí trong hoạt động thăm dò, khai thác, thiết kế, thi công chế tạo các công trình biển, dịch vụ ngoài khơi, cơ sở vật chất, nguồn lực con người, những thông tin, hiểu biết về khí tượng, thủy văn, địa chất, hóa học biển,… là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí tham gia vào lĩnh vực NLTTNK. Việc này cũng góp phần tối ưu đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực, gia tăng hiệu quả, giảm giá thành.
Chờ hành lang pháp lý
Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những định hướng lớn của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết không phát thải ròng (net-zero) vào năm 2050. Dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển 7 GW năng lượng gió ngoài khơi từ nay tới năm 2030. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng muốn đạt mục tiêu đó phải hành động ngay từ bây giờ.
Trong đầu tư vào lĩnh vực NLTTNK ở nước ta, hiện nay các nhà đầu tư đang chờ đợi hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực này như: đầu mối cơ quan quản lý, quy hoạch điện VIII, quy hoạch không gian biển quốc gia, xây dựng và ban hành một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về yêu cầu thiết bị, quy trình an toàn thi công các dự án NLTTNK để áp dụng,…
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực NLTTNK, các doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn với năng lực hiện có, cũng như hướng đến mục tiêu độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng quốc gia, cần có quy định yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa “local content” để phát huy lợi ích chủ nhà, đồng thời tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp cơ khí trong nước phát triển. Và cũng giống như các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, các dự án NLTTNK sẽ có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Thực tế, trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều quy định về tỷ lệ nội địa hóa. Như với lĩnh vực NLTTNK thì hiện nay Đài Loan (Trung Quốc) quy định nhà thầu vào khai thác các dự án năng lượng gió ngoài khơi tại Đài Loan phải sử dụng 30% dịch vụ địa phương, đồng thời đưa ra chi tiết từng loại hình dịch vụ phải sử dụng của nhà cung cấp địa phương. Đài Loan cũng xem xét nâng tỷ lệ local content từ 30% lên đến 60%.
Hoạt động tại bãi chế tạo thi công các dự án của PTSC
NLTTNK là lĩnh vực còn rất mới mẻ ở nước ta. Điều các doanh nghiệp trông chờ hiện nay là có hành lang pháp lý cho việc đầu tư, phát triển. Bởi theo các doanh nghiệp nếu không có hành lang pháp lý thì không thể làm được gì. Với suất đầu tư lớn 2,5 – 3 tỷ USD/1GW năng lượng gió ngoài khơi và thời gian từ chuẩn bị đến vận hành mất khoảng 8 năm, các nhà đầu tư mong muốn bên cạnh có kế hoạch dài hạn, cần có sự rõ ràng, nhất quán về chính sách để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Mai Phương
https://petrovietnam.petrotimes.vn/viet-nam-co-kha-nang-lam-chu-trong-linh-vuc-nang-luong-tai-tao-ngoai-khoi-666915.html