Nhiều dự án điện than, nhất là các dự án BOT đều gặp khó khăn kéo dài.
Các dự án trong nhóm này gồm: Sông Hậu 2 (2.000MW), Nam Định 1 (1.200MW), Vĩnh Tân 3 (1.800MW), Quảng Trị 1 (1.200MW) và Công Thanh (600MW).
Trong số này, chỉ duy nhấy Nhiệt điện Công Thanh do doanh nghiệp trong nước (Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh) làm chủ đầu tư, còn lại đều là dự án BOT (chủ đầu tư nước ngoài).
Được cấp chứng nhận đầu tư hoặc giao đầu tư từ nhiều năm trước (có trường hợp từ năm 2011), các dự án này đều khó khăn trong triển khai, thu xếp vốn. Tuy nhiên, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án.
Theo quan điểm của Bộ Công thương, cần tiếp tục để các dự án này trong Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án BOT, để tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước.
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 (công suất 2.000MW) do Tập đoàn Tokyo Ink Group Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư từ tháng 3/2013. Các hợp đồng của dự án (hợp đồng BOT, mua bán điện, thuê đất) ký kết từ tháng 12/2020 và đã có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên chưa hoàn thành thu xếp vốn và chủ đầu tư đang đề nghị được gia hạn "ngày đóng tài chính bắt buộc" thêm 12 tháng (đến tháng 6/2023).
Chủ đầu tư đã thanh toán cho UBND tỉnh Hậu Giang khoảng 343 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo báo cáo hồi tháng 8/2022, Tokyo Ink Group Berhad cam kết sẽ thanh toán nốt khoảng 365 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn lại cùng với lãi chậm trả cho UBND tỉnh Hậu Giang trước 20/1/2023. Hiện Bộ Công thương và Tư vấn luật quốc tế đang rà soát các quy định và bộ hợp đồng BOT đã ký để ứng xử phù hợp.
Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (công suất 1.800MW), do tổ hợp gồm: OneEnergy Ventures Limited (Hồng Kông), sở hữu bởi Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) và CLP Holdings Ltd. (Hồng Kông) – 49%, Tập đoàn điện lực Việt Nam – 29% và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương – 22% làm chủ đầu tư.
Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của tổ hợp nhà đầu tư trên về việc Pacific xin rút khỏi dự án, tuy nhiên thủ tục chưa hoàn thành. Được phê duyệt FS và các tài liệu dự án đã được ký tắt vào tháng 12/2020, dự án đang tìm phương án thay đổi các cổ đông sở hữu và đàm phán thu xếp vốn.
Được Chính phủ chấp thuận từ tháng 4/2017, Nhiệt điện Nam Định 1 (công suất 1.200MW) có chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện lực Nam Định thứ nhất (Nam Dinh First Power Holdings Pte. LTD). Doanh nghiệp này thành lập tại Singapore, do 2 cổ đông sở hữu thuộc Taekwang Power Holdings Co., Ltd – Hồng Kông và ACWA Power (Ả rập Xê – út).
Theo chứng nhận đầu tư, dự án có tổng vốn gần 2.100 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 518 triệu đồng, còn lại là đi vay). Với diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 243ha tại 2 xã Hải Châu, Hải Ninh (tỉnh Nam Định), dự án có công suất khoảng 1.100MW.
Dự án đã được phê duyệt FS, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, ký tắt hợp đồng thuê đất vào tháng 11/2020, hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ (GGU) chưa được ký tắt, Hợp đồng mua bán điện (PPA) chưa đàm phán xong.
Chủ đầu tư cho biết đã ký kết thỏa thuận vay vốn vào tháng 12/2019 và hợp đồng bảo hiểm với Sinosure vào tháng 8/2020. Đồng thời đã tạm ứng cho tỉnh Nam Định 3 triệu USD để xây dựng khu tái định cư và 3 triệu USD tiền hỗ trợ hoa màu. Tuy nhiên, do ACWA Power đã rút khỏi dự án nên đang phải tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế.
Nhiệt điện Quảng Trị (công suất 1.200MW) do Công ty điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư (Chính phủ giao từ tháng 8/2013). Dự án đã được phê duyệt FS và được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Các tài liệu dự án đã đàm phán từ 2018, tuy nhiên, nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh để phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Chủ đầu tư cho biết hiện dự án đang tạm dừng đàm phán bộ hợp đồng dự án, việc đàm phán vay vốn cũng gặp khó khăn và đang phải tạm dừng.
Về phần nhiệt điện Công Thanh (công suất 600MW) do Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh làm chủ đầu tư, được đưa vào quy hoạch và giao chủ đầu tư từ năm 2011. Dự án đã được phê duyệt FS, đã triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, cảng than, xây hàng rào nhà máy. Đồng thời, dự án đã có hợp đồng thuê đất, chứng nhận đầu tư, hợp đồng mua bán điện và lựa chọn tổng thầu EPC.
Hiện dự án không thu xếp được vốn, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị chuyển đổi sang sử dụng LNG và tăng công suất lên 1.500MW.
Báo cáo thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 9/2022, ghi nhận 39 nhà máy nhiệt điện than (tổng công suất khoảng 24.700MW) đang vận hành. Ngoài ra còn 12 dự án nhiệt điện than (khoảng 13.800MW) đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư/đang triển khai xây dựng.
Trong số này, ngoài 5 dự án gặp khó nêu trên, 7 dự án còn lại (khoảng 7.000MW) đang xây dựng, gồm: Thái Bình 2, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2, An Khánh và Na Dương 2.
Một số trường hợp đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và chắc chắn sẽ vào vận hàng (Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2), Long Phú 1 đang đàm phán với Tổng thầu để triển khai tiếp. Hai dự án An Khánh Bắc Giang và Na Dương 2 đã có phương án vay vốn trong nước để triển khai tiếp.
Thời gian trước, Bộ Công thương đề xuất không đưa vào Quy hoạch điện VIII khoảng 14.000MW nhiệt điện than. Trong đó, khoảng 8.400MW do các Tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, gồm: EVN được giao 3.600MW (Quảng Trạch II, Tân Phước I và Tân Phước II), PVN được giao khoảng 2.000MW (Long Phú III), TKV được giao khoảng 2.800MW (Cẩm Phả III, Hải Phòng III và Quỳnh Lập I), dự án theo hình thức BOT 4.500MW (Quỳnh Lập II, Vũng Áng 3, Long Phú II) và chưa giao đầu tư 1.200MW (Quảng Ninh III).
Theo Bộ Công Thương, đối với các dự án do các Tập đoàn Nhà nước được giao làm chủ đầu tư, rủi ro pháp lý là không có, các chi phí phát triển dự án do các tập đoàn đã bỏ ra sẽ được xử lý theo quy định.
TheLEADER
https://theleader.vn/tuong-lai-mit-mu-cua-4-du-an-bot-nhiet-dien-than-1664857525688.htm