TS.Nguyễn Thị Bình: Cần sớm hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý về Năng lượng tái tạo

Theo TS.Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển nhiều loại năng lượng tái tạo. Tuy nhiên thực tế, năng lượng tái tạo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, để phát triển năng lượng tái tạo thì việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này là cần thiết và cấp bách.

 

Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo

TS.Nguyễn Thị Bình cho biết, dưới góc độ pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đưa ra khái niệm năng lượng tái tạo như sau: Năng lượng tái tạo là năng lượng được khai thác từ nước, gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, sóng biển, nhiên liệu sinh học và các nguồn tài nguyên năng lượng có khả năng tái tạo khác” (Khoản 1 Điều 43). Nhưng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại không đưa ra khái niệm năng lượng tái tạo. Mặc dù không có định nghĩa về năng lượng tái tạo nhưng trong nhiều quy định của Luật lại nhắc tới các vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo (đi kèm với năng lượng sạch).

Do đó, theo TS.Nguyễn Thị Bình, năng lượng tái tạo là năng lượng hữu ích được thu thập từ các tài nguyên có khả năng tái tạo, được bổ sung một cách tự nhiên theo chu kỳ thời gian. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo được hiểu là quá trình các chủ thể thực hiện các hoạt động khác nhau nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp kích thích việc khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo.

TS.Nguyễn Thị Bình cũng cho rằng, tốc độ phát triển năng lượng tái tạo trên toàn thế giới ngày càng mạnh mẽ hơn. Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, năng lượng được sử dụng trên phạm vi toàn thế giới vẫn chủ yếu từ than, dầu khí, hạt nhân, còn năng lượng tái tạo chỉ chiếm gần 20%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn thế giới đã mạnh mẽ hơn rất nhiều so với thời gian trước. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm phát triển khai thác, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo. Các quốc gia đó phân bổ ở các Châu lục khác nhau (Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc).

Dự kiến trong tương lai năng lượng tái tạo là lĩnh vực được đầu tư phát triển. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024. Theo Giám đốc điều hành IEA Ph.Bi-rôn, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp một phần ba lượng điện trên thế giới.

Năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích

Theo TS.Nguyễn Thị Bình, nếu được tinh toán hợp lý, có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ thì việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Cụ thể:

Lợi ích về môi trường: Rõ ràng nếu đẩy mạnh khai thá, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo thì tỷ trọng năng lượng hóa thạch sẽ giảm xuống đáng kể. Chính điều đó góp phần rất tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Hơn nữa, việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo ít có khả năng phát sinh khí thải, hay chất phóng xạ như khai thác, sản xuất, sử dụng năng lượng hóa thạch.

Lợi ích về an ninh năng lượng quốc gia: Nhu cầu về năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng lên. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước đang cạn kiệt dần và không đáp ứng nhu cầu. Giải pháp đa dạng nguồn năng lượng đã được nhiều quốc gia áp dụng và thành công. Trong đó, năng lượng tái tạo được coi là một giải pháp hữu hiệu để đạt được mục đích này.

Việc khai thác, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo góp phần phát triển kinh tế đất nước: Chủ đầu tư sẽ thu được lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực này; Nhiều dự án năng lượng tái tạo có thể có được nguồn thu từ việc bán  các chứng chỉ giảm phát thải Cacsbon cho cộng đồng quốc tế; Nhiều dự án năng lượng tái tạo nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn sẽ tạo điều kiện cho khu vực này phát triển; Khi các dự án năng lượng tái tạo được xây dựng kéo theo sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng điển hình là giao thông vận tải.

Ngoài ra, phát triển năng lượng tái tạo còn có ý nghĩa đặc biệt lớn với những hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Việc sản xuất năng lượng từ sinh khối, khí sinh học giúp chúng ta tận dụng triệt để các phế phẩm này, xử lý chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, phát triển năng lượng sinh khối còn giúp giải quyết nhu cầu năng lượng tại chỗ cho các hộ gia đình, cá nhân.

Phát triển năng lượng tái tạo cũng giúp giải quyết vấn đề thiếu điện của Việt Nam; Giúp giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

TS.Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Các nguồn năng lượng tái tạo được nhận diện tới thời điểm này như: năng lượng mặt trời 4-5kWh/m2/ngày; thủy điện nhỏ khoảng hơn 4.000MW (trong đó 2.200MW khả thi về kinh tế); tiềm năng điện gió khoảng 8.700MW; điện địa nhiệt 200 -340MW;…. Ngoài ra, các điều kiện tự nhiên khác (địa hình, khí hậu, thời tiết,…) cho phép chúng ta phát triển ngành công nghiệp khai thác, sản xuất năng lượng tái tạo.

Xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất kích thích phát triển năng lượng tái tạo

TS.Nguyễn Thị Bình đưa ra nhận định, pháp luật phát triển năng lượng tái tạo là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các chủ thể thực hiện các hoạt động khác nhau nhằm trực tiếp hoặc gián tiếp kích thích việc khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo đó, nguyên tắc của pháp luật phát triển năng lượng tái tạo là những tư tưởng chính trị, pháp lý chỉ đạo chi phối một cách toàn diện các quan hệ pháp luật phát sinh trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Việc xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật phát triển năng lượng tái tạo phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản như: Nguyên tắc Nhà nước ghi nhận và bảo vệ quyền con người được sống trong một môi trường trong lành; Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; Nguyên tắc người hưởng thụ phải trả tiền; Nguyên tắc phát triển bền vững; Nguyên tắc kích thích lợi ích kinh tế; Nguyên tắc công bằng.

TS.Nguyễn Thị Bình lưu ý, nội dung của pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo gồm những chế định nào rất quan trọng trong nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật lĩnh vực này. Tiếp cận nội dung của pháp luật phát triển năng lượng tái tạo dưới góc độ các biện pháp nhằm phát triển năng lượng tái tạo, Ts. Nguyễn Thị Bình cho rằng, pháp luật phát triển năng lượng tái tạo gồm: Pháp luật về quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo; Pháp luật về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ khai thác, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo; Pháp luật về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ khai thác, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo (bao gồm: Ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí; Ưu đãi về hạ tầng đất đai; Ưu đãi về thị trường đầu ra); Pháp luật về các biện pháp hạn chế khai thác, sản xuất, sử dụng những nguồn năng lượng có tác động tiêu cực tới môi trường; Pháp luật xác định cơ quan quản lý nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo.

TS.Nguyễn Thị Bình khẳng định, pháp luật là công cụ quan trọng nhất để nhà nước can thiệp quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Vấn đề ưu đãi, hỗ trợ nhằm phát triển khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo được đưa vào trong các quy định pháp luật sẽ đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đều được đối xử công bằng trong hưởng các ưu đãi, hỗ trợ này. Hoặc khi biện pháp nhằm hạn chế khai thác, sản xuất và sử dụng những nguồn năng lượng có tác động tiêu cực tới môi trường được nâng lên thành pháp luật trở thành những quy định về thuế, phí, lệ phí… băt buộc mọi chủ thể phải tuân thủ.

Năng lượng tái tạo là năng lượng hữu ích được thu thập từ các tài nguyên có khả năng tái tạo, được bổ sung một cách tự nhiên theo chu kỳ thời gian. Phát triển năng lượng tái tạo là cần thiết nhưng phải dựa vào thành tựu của khoa học công nghệ. Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho dự án phát triển năng lượng tái tạo và hạn chế khai thác, sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng có tác động tiêu cực đến môi trường. Những biện pháp này cần được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật để bắt buộc mọi chủ thể trong xã hội phải thực hiện./.

Lan Anh

https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=62197