Phát biểu trước Ngày Quốc tế Không khí sạch cho bầu trời xanh (7/9),
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết chuyển đổi sang năng
lượng tái tạo là chìa khóa để đảm bảo sự sống còn của nhân loại, vì nếu
không có năng lượng tái tạo thì không thể có tương lai.
Tua bin gió tạo ra năng lượng ở Đức
Trong
hầu hết các trường hợp, công nghệ tái tạo như gió và năng lượng mặt
trời có chi phí thấp hơn nhiên liệu hóa thạch, thế giới cần ưu tiên
chuyển đổi hệ thống năng lượng sang năng lượng tái tạo. Hội nghị thượng
đỉnh về tham vọng khí hậu của Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra vào ngày
20/9 tới tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) sẽ thảo luận về những
giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này.
Dưới đây là 5 biện pháp được Liên hợp quốc đưa ra nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo
1. Chuyển trợ cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo
Trợ
cấp nhiên liệu hóa thạch là một trong những rào cản tài chính lớn nhất
cản trở sự chuyển đổi của thế giới sang năng lượng tái tạo.
Tổng
thư ký Liên hợp quốc đã liên tục kêu gọi chấm dứt tất cả các khoản tài
trợ công và tư quốc tế cho nhiên liệu hóa thạch, một trong những nguyên
nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, đồng thời ông gọi bất kỳ
khoản đầu tư mới nào vào chúng là “ảo tưởng”. Ông cho rằng tất cả các
bên phải cùng nhau đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng và bình đẳng
từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Theo
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 5,9 nghìn tỷ USD đã được chi để trợ
cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch trong năm 2020. Con số
này bao gồm các khoản trợ cấp, giảm thuế, thiệt hại về sức khỏe và môi
trường không được tính vào chi phí ban đầu của nhiên liệu hóa thạch.
Việc
chuyển trợ cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo dẫn đến
giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm, sức khỏe cộng đồng tốt hơn và
bình đẳng hơn, đặc biệt đối với các cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn
thương nhất trên thế giới.
2. Đầu tư gấp ba lần vào năng lượng tái tạo
Ước
tính khoảng 4 nghìn tỷ USD mỗi năm cần được đầu tư vào năng lượng tái
tạo cho đến năm 2030 để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thuật ngữ Net Zero có nghĩa là đạt được sự cân bằng giữa carbon thải vào
khí quyển và carbon loại bỏ khỏi khí quyển.
Đầu tư vào năng lượng
tái tạo sẽ có chi phí thấp hơn đáng kể so với việc trợ cấp nhiên liệu
hóa thạch. Chỉ riêng việc giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến khí hậu đã
có thể tiết kiệm cho thế giới tới 4,2 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Có
nguồn tài trợ nhưng cần có sự cam kết và trách nhiệm giải trình, đặc
biệt là từ các hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này bao gồm các ngân
hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính khác, phải điều chỉnh
danh mục cho vay của họ theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng
lượng tái tạo.
Người
đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết: “Năng lượng tái tạo là con đường duy
nhất dẫn đến an ninh năng lượng thực sự, giá điện ổn định và cơ hội việc
làm bền vững”.
Ông kêu gọi tất cả các chính phủ chuẩn bị kế hoạch
chuyển đổi năng lượng và khuyến khích các giám đốc điều hành của tất cả
các công ty dầu khí cùng tham gia vào giải pháp này.
3. Biến công nghệ năng lượng tái tạo thành hàng hóa công toàn cầu
Để
công nghệ năng lượng tái tạo trở thành hàng hóa công toàn cầu - có
nghĩa là công nghệ này dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành cho
người giàu - cần nỗ lực xóa bỏ các rào cản đối với việc chia sẻ kiến
thức và chuyển giao công nghệ, bao gồm cả các rào cản về quyền sở hữu
trí tuệ.
Các công nghệ thiết yếu như hệ thống lưu trữ pin cho phép
lưu trữ và giải phóng năng lượng từ năng lượng tái tạo khi con người,
cộng đồng và doanh nghiệp cần điện.
Khi kết hợp với máy phát điện tái tạo,
công nghệ lưu trữ pin có thể cung cấp điện vừa đáng tin cậy vừa có chi
phí rẻ hơn cho các lưới điện bị cô lập và các cộng đồng không có lưới
điện ở những địa điểm xa xôi, như ở Ấn Độ, Tanzania và Vanuatu.
4. Cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu với các thành phần và nguyên liệu thô
Nguồn
cung cấp mạnh mẽ các thành phần năng lượng tái tạo và nguyên liệu thô
là “nhân tố thay đổi cuộc chơi”. Cần tiếp cận rộng rãi hơn với tất cả
các thành phần và nguyên liệu quan trọng, từ các khoáng chất cần thiết
để xây dựng tua-bin gió và mạng lưới điện cho đến các bộ phận để sản
xuất xe điện.
Cơ
quan quản lý đáy biển quốc tế của Liên hợp quốc hiện đang làm việc với
các quốc gia thành viên về cách khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản
dồi dào ở vùng biển quốc tế vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng để sản
xuất pin, đồng thời đảm bảo bảo vệ hiệu quả môi trường biển khỏi những
tác hại có thể phát sinh từ các hoạt động liên quan đến đáy biển sâu.
Sẽ
cần có sự phối hợp quốc tế để mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất
trên toàn cầu. Cần đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo kỹ năng cho con
người, nghiên cứu và đổi mới cũng như khuyến khích xây dựng chuỗi cung
ứng thông qua các hoạt động bền vững để bảo vệ hệ sinh thái.
5. Tạo sân chơi bình đẳng cho công nghệ năng lượng tái tạo
Bên
cạnh việc hợp tác và phối hợp toàn cầu, cũng cần khẩn trương cải cách
các khuôn khổ chính sách trong nước để hợp lý hóa và đẩy nhanh tiến độ
các dự án năng lượng tái tạo cũng như xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân.
Công
nghệ, năng lực và vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo đã
tồn tại, nhưng cần phải đưa ra các chính sách và quy trình để giảm thiểu
rủi ro thị trường nhằm tạo điều kiện và khuyến khích đầu tư.
Những
đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hoặc kế hoạch hành động riêng
của các quốc gia nhằm cắt giảm khí thải và thích ứng với tác động của
khí hậu phải đặt ra các mục tiêu năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu
hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức tiền công
nghiệp. Để đạt được điều này, ước tính tỷ lệ năng lượng tái tạo trong
sản xuất điện toàn cầu phải tăng từ 29% hiện nay lên 60% vào năm 2030.
Mai Đan
Nguồn:https://baotainguyenmoitruong.vn/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-chuyen-doi-sang-nang-luong-tai-tao-chia-khoa-dam-bao-su-song-con-cua-nhan-loai-362904.html