Việt Nam đã trở thành một cường quốc về năng lượng tái tạo khi đạt công suất lắp đặt là 28% trong thời gian ngắn, tuy nhiên sản lượng đóng góp lưới điện chỉ khoảng 8%. Một số nhà máy năng lượng tái tạo buộc phải cắt giảm công suất do lưới điện bị quá tải đã khiến cho nhà đầu tư nản lòng...
Thời gian qua, nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo phải giảm tới 60% công suất.
Nhiều năm trở lại đây, nhờ các cơ chế khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc nhưng dư địa phát triển còn rất dồi dào. Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/10/2021, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt đạt 20.644MW; trong đó, thủy điện chiếm 29,6%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%; khí chiếm 10%; dầu xấp xỉ 2% và sinh khối chiếm 0,28% trong tổng công suất nguồn điện.
Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo bộc lộ không ít thách thức. Nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời, phải giảm phát tới 60% công suất, gây lãng phí nguồn lực của xã hội và đang trở thành nguyên nhân cản trở nỗ lực thu hút đầu tư, xã hội hóa vào phát triển hạ tầng năng lượng điện.
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo cho rằng, cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cũng cho rằng phải xây mới và nâng cấp lưới điện để tránh việc cắt giảm công suất như hiện nay, đồng thời tăng cường liên kết vùng để xuất khẩu điện khi thừa hàng hóa năng lượng tái tạo.
Tại diễn đàn “Cơ chế thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo tại Việt Nam” mới đây, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển năng lượng cho rằng, các chính sách về cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo đang có khoảng trống, chưa tạo đòn bẩy cho phát triển.
Bà Nhiên phân tích, chính sách về giá FIT (biểu giá hỗ trợ điện) cho điện mặt trời và điện gió chính là công cụ chính sách kích hoạt thị trường. Đến cuối 2020 giá FIT cho điện mặt trời đã kết thúc và cuối tháng 10/2021. Nhiều cuộc họp cũng đã được tổ chức để bàn về các vấn đề sau giá FIT nhưng đến thời điểm hiện tại cơ chế đấu thầu vẫn chưa biết được thực hiện ra sao. Trong khi, chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần có lộ trình xuyên suốt và liên tục mới có thể duy trì thị trường phát triển.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam Nguyễn Quang Huân, một trong những “nút thắt” cản trở nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là do chưa có phê duyệt về Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch điện lực quốc gia 2021- 2030, tầm nhìn 2045).
Theo đó, một trong số mục tiêu quan trọng tại Dự thảo quy hoạch điện VIII là ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Tỷ lệ điện năng lượng tái tạo sẽ đạt 11,9-13,4% toàn hệ thống vào năm 2030 và tăng lên 26,5-28,4% năm 2045. Tuy nhiên, Quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt nên nhà đầu tư vẫn chưa thực sự để tâm vào lĩnh vực này.
http://daidoanket.vn/tim-cach-hut-dau-tu-vao-nang-luong-tai-tao-5673770.html