Lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ ngành
điện toàn cầu chỉ tăng 0,2% trong sáu tháng đầu năm 2023. Lý do là năng
lượng gió và năng lượng mặt trời tăng nhanh, vượt xa nhu cầu đang có tốc
độ tăng trưởng ngày càng chậm lại.
Đáng lẽ, lượng khí phát thải từ sản xuất điện có thể đã giảm, nhưng
hạn hán buộc các nước phải tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch để bù
đắp cho sự sụt giảm thủy điện.
Những phát hiện này đến từ một báo cáo mới của Ember - Tổ chức tư vấn
về khí hậu và năng lượng (phi lợi nhuận và độc lập) của Anh với dữ liệu
thu thập từ 78 quốc gia và 92% nhu cầu điện toàn cầu trong nửa đầu năm
2023.
Báo cáo cho thấy tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu và việc mở rộng
nguồn cung cấp ít thải carbon vẫn ở mức cân bằng. Thế nhưng, hạn hán
đang diễn ra đặt dấu hỏi cho dự đoán trước đó của Ember về mức độ suy
giảm sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2023.
Trong khi công suất năng lượng gió và năng lượng mặt trời được mở
rộng đạt mức kỷ lục, chiếm 14,3% nhu cầu điện toàn cầu trong nửa đầu năm
nay, tăng từ mức 12,8% một năm trước đó, thì sản lượng thủy điện lại
giảm 8,5%.
Với sự gia tăng nhỏ về năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch giúp bù đắp
cho sự sụt giảm từ thủy điện, lượng phát thải từ ngành điện đã ổn định
mặc dù nhu cầu điện vẫn tăng trưởng nhẹ.
Theo báo cáo của Ember, việc mở rộng nguồn cung cấp điện ít thải
carbon nhìn chung vẫn chưa đủ để đưa thế giới đi đúng hướng trong việc
hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Năng lượng mặt trời phá kỷ lục
Theo Ember, sản lượng gió và mặt trời toàn cầu tiếp tục tăng trong sáu tháng đầu năm 2023.
Lượng điện được tạo ra từ năng lượng mặt trời và gió tăng lên 1.930
terawatt giờ (TWh), tăng 12% so với 1.717TWh trong nửa đầu năm 2022. Con
số này chiếm 14,3% tổng sản lượng điện toàn cầu, trong đó 5,5% đến từ
năng lượng mặt trời và 8,8% đến từ gió.
Dự án điện mặt trời mái nhà Duy Tân thuộc khu công nghiệp Tân Đô, tỉnh Long An có tổng công suất 9.932,4 kWp. Ảnh minh họa
Về tỷ lệ phần trăm, cả hai nguồn đều tăng trưởng chậm hơn so với cùng
kỳ năm ngoái. Ví dụ, sản lượng gió tăng 10% trong nửa đầu năm 2023 so
với 16% cùng kỳ năm ngoái. Năng lượng mặt trời tăng trưởng 16%, so với
26% trong nửa đầu năm 2022.
Mức tăng trưởng như vậy thấp hơn mức cần thiết theo kịch bản phát
thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Để
hạn chế Trái đất nóng lên không quá 1,5 độ C so với thời tiền công
nghiệp, chúng ta cần duy trì tăng trưởng từ giờ cho đến năm 2050 với tốc
độ mỗi năm là 17% đối với gió và 24% đối với năng lượng mặt trời..
Tương tự, xét về mặt tuyệt đối, mức tăng trưởng về sản xuất điện gió
và mặt trời thấp hơn cùng kỳ vào năm 2022. Năng lượng mặt trời chỉ tăng
104TWh, giảm so với mức tăng 132TWh cùng kỳ năm ngoái. Điện gió chỉ tăng
109TWh, so với 147TWh cùng kỳ năm ngoái.
Ember cho biết khoảng 50 quốc gia đã lập kỷ lục mới hằng tháng về sản
xuất năng lượng mặt trời trong nửa đầu năm 2023. Trong đó có 24 trong
số 27 thành viên của EU thu hoạch năng lượng mặt trời đạt mức kỷ lục.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tạo ra 50TWh (6,4% điện năng) từ năng
lượng mặt trời vào tháng 6 năm 2023, tăng 9,7TWh (+25%) so với tháng 6
năm ngoái. Để dễ hình dung thì năng lượng mặt trời của Trung Quốc trong
một tháng sẽ đủ để cung cấp năng lượng cho New Zealand, Qatar hoặc
Hungary trong cả năm.
Ember cho biết, các kỷ lục cũng đã bị phá vỡ ở Mỹ, Mexico, Brazil và
Chile, cùng nhiều quốc gia khác ở châu Mỹ. Như được hiển thị trong biểu
đồ bên dưới, trong đó đường màu xanh nhạt biểu thị xu hướng năng lượng
mặt trời trên mức sản xuất năm 2022 (đường màu xanh đậm) ở nhiều quốc
gia trên toàn thế giới.
Theo Ember, sau khi đạt đỉnh vào năm 2020, việc bổ sung điện gió có
xu hướng giảm trong vài năm qua. Năm 2020, công suất lắp đặt là 111
gigawatt (GW) trên toàn thế giới, năm 2021 là 92GW và năm 2022 là 73GW.
Tăng trưởng sản xuất điện gió cũng chậm lại tương tự, với mức tăng
lớn nhất trong lịch sử (+268TWh) vào năm 2021. Sau đó giảm xuống +251TWh
vào năm 2022 và 109TWh vào nửa đầu năm 2023.
Cũng giống như năng lượng mặt trời, Trung Quốc đang vượt lên dẫn đầu
về năng lượng gió, đóng góp tới 91% tăng trưởng sản lượng điện gió toàn
cầu trong nửa đầu năm nay.
Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 26% về sản lượng điện gió
trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, sản lượng gió
ở EU chỉ tăng 4,8% và ở Nhật Bản là 2,4%, từ mức cơ bản vốn đã thấp.
Tổng sản lượng điện từ gió và mặt trời đã tăng thêm 213TWh trong sáu
tháng đầu năm 2023. Mức tăng này lớn hơn nhiều so với mức tăng trưởng
nhu cầu điện toàn cầu là 59TWh. Tuy nhiên, do sản lượng thủy điện giảm
đáng kể do hạn hán, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí
nhà kính vẫn tăng nhẹ.
Theo Ember, nếu không có sự gia tăng từ điện gió và điện mặt trời,
lượng phát thải của ngành điện toàn cầu sẽ tăng thêm 154 triệu tấn CO2
(MtCO2, 2,6%), thay vì chỉ là 12MtCO2 (0,2%) như thực tế ghi nhận.
Việt Nam đã đóng góp 69% tổng sản lượng điện mặt trời và gió trong khu vực Đông Nam Á
Tổng sản lượng điện mặt trời và năng lượng gió ở Đông Nam Á đạt hơn
50 TWh vào năm ngoái (so với mức 4,2 TWh hồi 2015). Trong đó, Việt Nam
được xác định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo
của khu vực trong những năm qua. Chỉ riêng Việt Nam đã đóng góp 69% tổng
sản lượng điện mặt trời và gió trong khu vực vào năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng điện mặt trời, gió của khối chỉ còn 15% vào năm
2022 so với mức trung bình hằng năm là 43% kể từ năm 2015. Dù vậy, tính
chung sản lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió vẫn chiếm 13% tổng
sản lượng điện của Việt Nam vào năm ngoái - mức cao nhất ở Đông Nam Á.
Theo Ember, xu hướng tăng trưởng chung của khu vực không nhất thiết
phản ánh xu hướng tăng trưởng của các nước cụ thể. Ví dụ, ở Indonesia,
Philippines, Thái Lan, Singapore, tốc độ tăng trưởng điện mặt trời năm
2022 tăng so với 2021.
Anh Tú