Tham vọng dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo ASEAN

Trong một nỗ lực trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á đi đầu về chuyển đổi xanh nền kinh tế và cắt giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Chính phủ Malaysia vừa chính thức công bố các chương trình thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Lộ trình Chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR)

Vào tháng 7.2023, Chính phủ Malaysia công bố giai đoạn đầu tiên của Lộ trình Chuyển đổi năng lượng quốc gia (NETR), theo đó 10 dự

án và sáng kiến đổi mới hàng đầu trải dài từ xây dựng các khu năng lượng tái tạo, tạo ra nhu cầu sinh khối cho đến thu giữ carbon và thúc đẩy chuyển đổi xanh… sẽ được thúc đẩy.

Năng lượng mặt trời và năng gió là những nguồn tái tạo tiềm năng tại Malaysia. Ảnh: Net Hydrogen
Năng lượng mặt trời và năng lượng gió là những nguồn tái tạo tiềm năng tại Malaysia. Ảnh: Net Hydrogen
Giai đoạn thứ hai của lộ trình được đưa ra vào giữa tháng 8.2023, tập trung vào các chiến lược cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, ví dụ như nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế.

Trước mắt, Chính phủ Malaysia đã “gia tăng gấp đôi” các cam kết về năng lượng tái tạo như một phần của lộ trình NETR. Cụ thể, quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu có 70% tổng nguồn cung năng lượng của đất nước từ năng lượng tái tạo vào năm 2050 - cao hơn mục tiêu trước đó là 40% vào năm 2035. Con số trên được các chuyên gia đánh giá là tương đối tham vọng do năng lượng tái tạo tính tới năm 2020 chỉ chiếm 3,9% tổng nguồn cung năng lượng của Malaysia trong khi khí tự nhiên và dầu mỏ vẫn là nguồn cung chủ lực.

Thông qua các dự án này, Malaysia dự kiến sẽ tạo ra 23.000 việc làm, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính tương đương với hơn 10.000 gigagam carbon dioxide mỗi năm. Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli cho biết về mặt tổng thể, ông hy vọng NETR sẽ mở ra cơ hội đầu tư từ khoảng 94 tỷ USD đến 410 tỷ USD vào năm 2050 cho quốc gia.

Tài nguyên năng lượng tái tạo tiềm năng

Malaysia sở hữu nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, mang lại cơ hội đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài và địa phương.

Sinh khối/khí sinh học: Malaysia sản xuất ít nhất 168 triệu tấn sinh khối, bao gồm gỗ và chất thải dầu cọ, trấu, xơ dừa, chất thải đô thị và chất thải mía hàng năm. Là nhà sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn trong khu vực và phát triển mạnh ngành lâm nghiệp, Malaysia có vị trí thuận lợi trong số các nước ASEAN để thúc đẩy sinh khối như một nguồn năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, các thành phố phát triển nhanh và dân số tăng nhanh cũng góp phần làm tăng sản lượng chất thải rắn đô thị. Ước tính 14 tấn rác dự kiến đã được thu gom vào năm 2022, gần 40.000 tấn mỗi ngày và 95% sẽ được đưa đến các bãi chôn lấp. Các loại rác thải này có thể được sử dụng để phát điện năng lượng sinh học, tận dụng các công nghệ Chuyển hóa chất thải thành năng lượng (WTE).

Điện Mặt Trời (PV): Vị trí gần đường xích đạo cung cấp bức xạ Mặt Trời mạnh trong khoảng 1.575 - 1.812kWh/m2 trong suốt cả năm, khiến điện Mặt Trời được coi là một lựa chọn năng lượng tái tạo khả thi ở Malaysia. Ước tính có 269GW tiềm năng cho điện Mặt Trời, chủ yếu là các cấu hình lắp trên mặt đất (210GW).

Malaysia đã thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng đầu tư vào điện Mặt Trời. Hơn 200 nhà cung cấp dịch vụ điện Mặt Trời đã đăng ký với Cơ quan Phát triển Năng lượng Bền vững (SEDA).

Mới đây, tập đoàn UEM - một công ty con của quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional của Malaysia cho biết, sẽ phát triển một nhà máy điện mặt trời hybrid 1GW tại quốc gia này. Đây được coi là dự án điện mặt trời hybrid lớn nhất ở Đông Nam Á với số vốn đầu tư trị giá 1,3 tỷ USD.

Thủy điện: Malaysia có nhiều lưu vực sông với điều kiện địa chất thủy văn hiệu quả để sản xuất thủy điện. Ước tính tiềm năng thủy điện là 2,5GW với 189 con sông có thể hỗ trợ sản xuất mô hình thủy điện. Thủy điện có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo đảm an ninh năng lượng. Sự phát triển của mô hình này đòi hỏi đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng được bù đắp bằng tuổi thọ dài với chi phí vận hành và bảo trì rất thấp.

Địa nhiệt: Nghiên cứu do Cục Khoáng sản và Khoa học Địa chất Malaysia ủy nhiệm thực hiện năm 2009 đã xác định được 67MW tiềm năng tài nguyên địa nhiệt ở Tawau, Sabah. Nghiên cứu riêng biệt vào năm 2016 của cơ quan này đã tìm thấy thêm 162MW tài nguyên địa nhiệt ở Ulu Slim, Perak. Sự sẵn có của các nguồn địa nhiệt có thể được phát triển và là một nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng trong thời gian dài.

Năng lượng gió: Tốc độ gió nhìn chung ở mức trung bình thấp, dưới 5m/s. Một số địa điểm ở Bán đảo Malaysia và phía Bắc Sabah được phát hiện có đủ điều kiện gió mạnh có thể phù hợp để lắp đặt tuabin gió. Năng suất điện thấp, khả năng tiếp cận địa điểm khan hiếm và chi phí lắp đặt cao khiến việc sản xuất điện gió ở Malaysia không mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, việc tiếp tục phát triển công nghệ tốc độ gió thấp có thể cải thiện tính kinh tế cho việc lắp đặt tuabin gió trong tương lai.

Với tất cả những cơ hội này, Malaysia có cơ hội lớn để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và hoàn thành mục tiêu khí hậu của mình vào năm 2050.

Cơ quan lập pháp không phát thải đầu tiên trên thế giới

Quốc hội Malaysia đặt mục tiêu trở thành cơ quan lập pháp không phát thải đầu tiên trên thế giới vào tháng 6.2024.

Theo đó, toàn bộ trụ sở Quốc hội sẽ sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời trong các hoạt động của mình như một phần trong cam kết hướng tới một tương lai bền vững. Chủ tịch Quốc hội Tan Sri Johari Abdul nhấn mạnh rằng, động thái này phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Johari bày tỏ sự lạc quan, cho rằng Quốc hội Malaysia có thể trở thành tòa nhà Quốc hội đầu tiên trên thế giới hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo; mang lại cho người làm việc trong tòa nhà cũng như khách tham quan một trải nghiểm không khí thực sự trong lành cũng như lượng oxy tốt. Hiện Sở Xây dựng đang hoàn tất thủ tục đấu thầu dự án.

Thúc đẩy dự án này, Quốc hội Malaysia không chỉ nhằm hưởng ứng Sáng kiến Nghị viện vì Hành tinh của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) mà còn muốn nêu gương để các cơ quan và cơ quan Chính phủ khác tận dụng năng lượng tái tạo, nhấn mạnh tính hiệu quả về chi phí và thân thiện với môi trường. Ông kêu gọi các nền kinh tế ASEAN đi đầu trong việc chuyển đổi theo hướng phát thải carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu để đạt được thịnh vượng kinh tế - xã hội.

Q. Đạt


Quỳnh Vũ

Nguồn:Tham vọng dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo ASEAN - Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)