Tại sao chúng ta khai thác ngày càng nhiều năng lượng hóa thạch?

Loài người tiếp tục khai thác tài nguyên hóa thạch, đi ngược lại với các mục tiêu về khí hậu. Theo một báo cáo thực hiện theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc, được công bố vào ngày 8/11, sản lượng tài nguyên hóa thạch toàn cầu vẫn sẽ tăng cao gấp đôi vào năm 2030 so với mức cho phép của Thỏa thuận chung Paris – một thỏa thuận được đặt ra vì mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại sao chúng ta khai thác ngày càng nhiều năng lượng hóa thạch?

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu rõ: Nếu muốn tôn trọng các cam kết quốc tế về khí hậu, thì không được phép có bất kỳ dự án khai thác tài nguyên hóa thạch mới nào nữa. Tuy nhiên, theo báo cáo Production Gap Report, quỹ đạo thực tế đi theo chiều hoàn toàn trái ngược: Các chính phủ không có ý định ngừng khai thác; họ thậm chí còn muốn làm điều đó nhiều hơn nữa. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng tiết lộ: Thông qua các dự án đã được công bố, sản lượng than sẽ gia tăng cho đến năm 2030. Sản lượng khí đốt và dầu sẽ tăng cho đến ít nhất là năm 2050.

Khoảng 90% lượng khí thải CO2 toàn cầu - nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, đến từ hoạt động đốt cháy tài nguyên hóa thạch. Đây là một nghịch lý: Các quốc gia đưa ra cam kết giảm lượng khí thải, nhưng các mục tiêu đó lại không đi đôi với việc giảm hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, vào tháng 9/2022, Mỹ đã khai thác hơn 13 triệu thùng dầu/ngày - một con số kỷ lục.

Kết quả, khoảng cách khai thác - tức khoảng cách giữa các nguồn tài nguyên còn lại trong lòng đất và những gì đã được khai thác, không được cải thiện. Nguyên nhân là vì trên thực tế, không có gì thực sự bắt buộc các quốc gia phải thực hiện các biện pháp theo hướng này; Thỏa thuận chung Paris về khí hậu cũng không có tính ràng buộc. Bà Ploy Achakulwisut - một trong những tác giả của báo cáo kiêm thành viên của Viện Môi trường Stockholm, giải thích: “Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy khoảng cách này không thay đổi. Rất ít chính phủ điều chỉnh mức khai thác nhiên liệu hóa thạch của họ sao cho phù hợp với những mục tiêu về khí hậu. Khi nhìn vào triển vọng khai thác, chúng ta thấy rằng nhiều quốc gia thực sự đang hy vọng trở thành nhà khai thác lâu dài. Brazil dự định trở thành nước khai thác dầu lớn thứ 4 thế giới. Các quốc gia Trung Đông muốn trở thành những người tận dụng được đến giọt cuối cùng. Có sự khác biệt giữa mong muốn khai thác nhiều hơn bao giờ hết của các chính phủ này, và cam kết của họ nhằm đạt được mục tiêu không phát thải CO2”.

Chính trong bối cảnh đó, và ngay giai đoạn chỉ còn một vài tuần trước lễ khai mạc COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tác phẩm này đã được xuất bản. Chúng ta có nên mong đợi điều gì từ báo cáo này không? Về phần Ploy Achakulwisut, bà bày tỏ sự lạc quan và lấy COP26 của năm 2021 làm ví dụ: Lần đầu tiên, tuyên bố cuối cùng đã mở cuộc thảo luận về việc đưa một quốc gia thoát khỏi than đá. Liệu điều này có xảy ra với khí đốt và dầu mỏ ở Dubai không? Vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng trước giờ, COP luôn là nơi đầy sự bất ngờ.

 

Ngọc Duyên

Nguồn:Tại sao chúng ta khai thác ngày càng nhiều năng lượng hóa thạch? (petrotimes.vn)