Điều kiện tự nhiên “nắng” và “gió” đang trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho sự phát triển năng lượng tái tạo của Ninh Thuận…
Khu vực công viên Bình Sơn ven biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận.
Khu vực công viên Bình Sơn ven biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận.
Quy hoạch đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia, không chỉ là hướng đi đúng cho sự phát triển của tỉnh, mà còn là chiến lược năng lượng của quốc gia.
Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế tại hội thảo khoa học “Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức mới đây.
SAU 10 NĂM, QUY MÔ GRDP SẼ TĂNG GẦN 2 LẦN
Với mục tiêu đưa Ninh Thuận có quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng 1,9 lần và đến năm 2030 tăng 3,65 lần so với năm 2020, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững…
Theo dự thảo quy hoạch được tư vấn đề xuất, Ninh Thuận sẽ phát triển dựa trên kịch bản “tăng trưởng khá” gắn với 05 cụm ngành quan trọng, gồm: Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; Du lịch; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Đồng thời xác định 03 khâu đột phá là: nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; lấy kinh tế biển, kinh tế đô thị làm 2 động lực và lấy con người làm hạt nhân phát triển.
Có 04 không gian phát triển được đề xuất, gồm: khu vực trung tâm Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận đến Cồn cát Nam Cương - Thanh Hải, Ninh Hải để tập trung phát triển du lịch đô thị di sản, nghỉ dưỡng biển, ẩm thực.
Không gian phía Đông Bắc có khu vực Vĩnh Hy, Bình Tiên, Núi Chúa và Thái An để phát triển du lịch sinh thái biển, rừng, nông nghiệp.
Không gian phía Đông Nam có khu vực Cà Ná, Mũi Dinh được tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá tính độc đáo: cát, muối, biển.
Không gian phía Tây được dành cho phát triển du lịch cộng đồng, kết hợp sinh thái rừng, thác nước, tập trung khai thác theo điểm đến, chủ yếu phục vụ khách du lịch nội tỉnh.
CẦN PHÁT HUY TÀI NGUYÊN VÔ GIÁ
Nhận định về tiềm năng của Ninh Thuận, TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải Miền Trung, cho rằng tài nguyên vô giá mà tỉnh sở hữu là “nắng” và “gió” đang là yếu tố rất thuận lợi cho sự phát triển năng lượng tái tạo. Đây cũng chính là lợi thế khác biệt của Ninh Thuận so với nhiều địa phương khác.
Trong quy hoạch đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia, không chỉ là hướng đi đúng cho định hướng phát triển của tỉnh, mà còn phải là chiến lược năng lượng của quốc gia.
Theo ông Lịch, điều kiện để biến tiềm năng trở thành hiện thực phải bao gồm 02 chính sách. Đó là, đối với quốc gia phải có sự chuyển hướng chiến lược về năng lượng từ nhiệt điện sang năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, nâng cao tỷ trọng điện gió và điện mặt trời trong cơ cấu điện quốc gia. Lộ trình đoạn tuyệt với điện than cần được rút ngắn.
TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải Miền Trung: "Tài nguyên vô giá mà Ninh Thuận sở hữu là “nắng” và “gió” đang là yếu tố rất thuận lợi cho sự phát triển năng lượng tái tạo. Đây cũng chính là lợi thế khác biệt của Ninh Thuận so với nhiều địa phương khác".
Đối với địa phương, cần xem các điều kiện tự nhiên về “nắng” và “gió” ở một số địa bàn thuộc tỉnh Ninh Thuận là tài nguyên năng lượng tái tạo, nên cần công khai, minh bạch đấu thầu cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhằm khuyến khích sự ứng dụng công nghệ mới và giảm giá thành sản phẩm.
“Ngoài ra, với lợi thế của cảng biển Cà Ná, cần tập trung phát triển và mở rộng cảng biển và cả vùng phía Nam của Ninh Thuận, để nơi đây trở thành địa bàn trọng điểm về công nghiệp chế biến, chế tạo và xem như trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 10 năm tới”, ông Lịch nói.
Còn theo Phó GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Ninh Thuận vẫn là tỉnh đi sau, công cuộc hiện đại hóa chỉ mới bắt đầu trong khi cơ hội bùng nổ - tiến vượt đang đặt ra. Do đó, quan điểm “đột phá mạnh, tạo bứt phá - tiến vượt” sẽ giúp cách tiếp cận chiến lược sát hợp với các điều kiện và mang tính khả thi, tạo được động lực mạnh để giải quyết vấn đề phát triển trên một số tuyến ưu tiên. Đơn cử như đô thị hóa thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, phát triển cụm đô thị - cảng biển - công nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất nông sản đặc trưng.
Tuy nhiên, quy mô của Ninh Thuận còn nhỏ, không gian phát triển còn hạn chế, để có khả năng phát huy cao độ các lợi thế, thực hiện tiến vượt của tỉnh, cần chú trọng thực hiện quan điểm phát triển dựa vào liên kết quốc tế và hội tụ sức mạnh khu vực.
Vấn đề này đòi hỏi Ninh Thuận không chỉ quan tâm đến hạ tầng giao thông kết nối trong nước, với các tỉnh lân cận mà cần ưu tiên phát triển hạ tầng số, kết hợp với việc nối đường bay quốc tế đến tọa độ “điểm đến quốc tế ưu tiên” của tỉnh trong mối liên kết phát triển với các tỉnh lân cận như: Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng có rất nhiều lợi thế và khả năng bùng nổ phát triển hiện đại trong công cuộc hiện đại hóa.
Đối với giải pháp cho ngành trồng trọt và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp của tỉnh trong thời kỳ mới, TS Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, thủy sản cần được nghiên cứu và cụ thể hóa một số nội dung trong quy hoạch tỉnh, như: mục tiêu phát triển ngành nông, lâm, thủy sản đến năm 2025, năm 2030 và định hướng đến 2050, định hướng phát triển vùng trồng lúa, phát triển lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi và phát triển thủy sản. Bên cạnh đó, cần có các phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu cụ thể…
Về phía địa phương, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết sẽ tập trung nghiên cứu các ý kiến của các chuyên gia, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bổ sung, hoàn thiện đồ án trong thời gian tới để trình Chính Phủ xem xét, phê duyệt.
Theo Quyết định số 501 (ngày 10/4/2020) của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ phát triển kinh tế dựa vào 06 nhóm ngành trụ cột: Năng lượng; Du lịch; Nông-lâm-thuỷ sản; Công nghiệp; Giáo dục đào tạo; Xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Quy hoạch tỉnh cũng phải đảm bảo phát huy lợi thế địa lý của Ninh Thuận là cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, có lợi thế lớn, như: cảng biển nước sâu… trong giao thương…
https://vneconomy.vn/quy-hoach-ninh-thuan-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-tai-tao.htm