Nhanh chóng nhập khẩu LNG, đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia là mục tiêu mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) thực hiện.
Dự án Kho chứa LNG Thị Vải dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ quý III/2022.
Tập trung đầu tư hạ tầng
Theo PV GAS, với mục tiêu đảm bảo nguồn nhập khẩu, trữ và phân phối an toàn, hiệu quả loại hình kinh doanh khí LNG, đơn vị này đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, mục tiêu từ năm 2022 bắt đầu nhập khẩu LNG để bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí /LNG tại Việt Nam.
PV GAS cho biết, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 2233/QĐ-TTg, Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều đã xác định rõ công tác nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, PV GAS đang tích cực hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG để nhập khẩu LNG từ năm 2022 với mục tiêu phân phối an toàn, hiệu quả toàn bộ nguồn khí/LNG trong nước và nhập khẩu. Cùng với đó, PV GAS xây dựng chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí/LNG, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, chủ động làm việc với các hộ tiêu thụ khí/LNG tiềm năng trong tương lai, trong đó các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỷ trọng khoảng trên 70%; tăng cường phát triển các khách hàng hóa dầu, hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị khoảng gần 30%.
Hiện PV GAS, PVN đang tập trung nguồn lực thực hiện đầu tư xây dựng dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải. Tính đến hiện tại, tiến độ dự án Kho LNG Thị Vải hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý III/2022. “Các dự án đồng hành như trạm xuất LNG bằng xe bồn tại Thị Vải, đường ống LNG Thị Vải – Phú Mỹ… cũng đang triển khai tích cực, đảm bảo hoàn thành đồng bộ”, đại diện PV GAS thông tin.
Cũng theo doanh nghiệp khí lớn nhất Việt Nam, đơn vị này sẽ tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng nhập khẩu, tàng trữ, phân phối LNG trên toàn quốc, trong đó mỗi khu vực sẽ được cung cấp từ 3 trung tâm đầu mối LNG cả nước gồm: Khu vực miền Nam (dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải, tiến tới nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm); Khu vực miền Trung (Kho chứa LNG Sơn Mỹ); Khu vực miền Bắc (Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa).
Hệ thống ống phân phối ba miền
Về hệ thống đường ống phân phối, PV GAS phát triển các đường ống vận chuyển LNG sau khi tái hóa khí đến các hộ tiêu thụ trên cơ sở tận dụng tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu. Trong đó, tại khu vực Đông Nam bộ, xây dựng hệ thống đường ống LNG đấu nối từ đầu ra Kho chứa LNG Thị Vải vào các hệ thống đường ống hiện hữu của PV GAS; Nghiên cứu xây dựng dự án đường ống kết nối Đông - Tây để nâng công suất vận chuyển và mở rộng hạ tầng phân phối khí LNG đến các hộ tiêu thụ khí LNG cho cả khu vực Đông và Tây Nam bộ.
Đối với Kho chứa LNG Sơn Mỹ, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối tại miền Trung; đầu tư đường ống kết nối để vận chuyển LNG từ Sơn Mỹ/Ninh Thuận về Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối vào hạ tầng hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ. Ở khu vực phía Bắc, PV GAS dự kiến xây dựng hệ thống đường ống và hệ thống phân phối khí từ đầu ra kho LNG tại khu vực Quảng Ninh/Hải Phòng/Thanh Hóa có tính đến việc kết nối và tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có của hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình để vận chuyển và cung cấp khí cho khách hàng.
Nhằm sử dụng tối ưu hệ thống hạ tầng khí, PV GAS thực hiện quy hoạch các cảng xuất nhập LNG thành các cảng hỗn hợp có bổ sung thêm chức năng xuất nhập sản phẩm lỏng và dịch vụ logistic để tận dụng hạ tầng kho cảng, cũng như hành lang các tuyến ống hiện hữu để chủ động cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Công tác chuẩn bị tiêu thụ LNG cũng được PV GAS triển khai tích cực thông qua việc tập trung xây dựng cơ chế giá, cước phí cho sản phẩm LNG tái hóa, theo từng nguồn nhập khẩu và đối tượng khách hàng. Đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán với các khách hàng, các đơn vị kinh doanh và tiếp tục tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu mua LNG để tăng sản lượng tiêu thụ; xây dựng chiến lược phát triển thị trường theo từng giai đoạn và chiến lược kinh doanh của các đơn vị thành viên.
Minh Hữu
https://baophapluat.vn/pv-gas-thuc-hien-chien-luoc-nang-luong-quoc-gia-ve-lng-post422181.html