Việc phối hợp giữa các trường trong đào tạo ngành năng lượng tái tạo để đáp ứng đúng và tốt nhu cầu nhân lực dựa trên tư vấn thực tế của các đơn vị tuyển dụng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 21/10, Viện Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức tọa đàm Chương trình đào tạo năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (EVEF) do Liên minh châu Âu (EU) và CHLB Đức đồng tài trợ. Hơn 60 đại biểu đã tham gia trao đổi tại tọa đàm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tọa đàm diễn ra với hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất xoay quanh những nội dung đào tạo đang được triển khai các trường đại học và định hướng chương trình trong thời gian tới. Phiên thứ hai trao đổi về cách thức phối hợp giữa doanh nghiệp với nhà trường trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thống nhất với định hướng nhà nước.
Thông qua hai phiên thảo luận, các đơn vị tuyển dụng có cơ hội phản hồi về chất lượng nhân lực được đào tạo từ các đơn vị, trong khi các trường đại học được tiếp nhận góp ý về nội dung giảng dạy từ những đơn vị giàu kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong và ngoài nước. Các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ chuẩn bị cho nguồn nhân lực bài bản, giảm khoảng cách trong chất lượng đào tạo và phối hợp phân tầng đào tạo giữa các trường.
Cơ hội việc làm cho sinh viên được đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo vẫn rất lớn
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: “Căn cứ vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện VIII, tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) là 31.380 - 37.030 MW, chiếm tỷ lệ 24 - 25,7% vào năm 2030; tăng lên 104.900 - 137.610 MW, chiếm tỷ lệ 40,1 - 41,7% vào năm 2045 do vậy cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên được đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo sẽ vẫn rất lớn”.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện Điện, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Theo xu thế phát triển hướng tới tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng cao trong những năm gần đây, năm học 2021 – 2022, Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở thêm chuyên ngành đào tạo hệ thống điện và năng lượng tái tạo, đào tạo toàn bộ bằng tiếng Anh.
Chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh theo hướng liên kết với các đối tác công nghiệp để sinh viên tiếp cận được các cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng thực tiễn thay đổi một cách nhanh chóng. Đồng thời, mở rộng cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp với vị trí công việc tiềm năng để rút ngắn thời gian thích ứng với môi trường công việc nhằm phát huy thế mạnh của chương trình đào tạo phổ rộng hiện nay”.
Nhờ sự phát triển vượt trội về năng lượng tái tạo trong 10 năm qua tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong ngành năng lượng tái tạo gia tăng rất cao. Tuy vậy, việc chuẩn bị nhân lực cho ngành được thực hiện khá cục bộ và hạn chế. Ví dụ, nhân lực ngành điện truyền thống sẽ được luân chuyển làm cho năng lượng tái tạo và được cử đi các khóa học ngắn hạn do chuyên gia nước ngoài hoặc một số các chuyên gia trong nước phối hợp đào tạo.
Ngoài ra, các trường đại học có ngành điện mở thêm một số môn mới hoặc một số ngành mới về năng lượng tái tạo dựa trên quan điểm nội bộ của lãnh đạo đơn vị đào tạo. Tuy nhiên, việc đào tạo này gặp phải các vấn đề về nội dung, chất lượng đào tạo, hay định hướng của ngành điện và ngành giáo dục về đào tạo năng lượng tái tạo. Do đó, việc phối hợp giữa các trường trong đào tạo ngành năng lượng tái tạo để đáp ứng đúng và tốt nhu cầu nhân lực dựa trên tư vấn thực tế của các đơn vị tuyển dụng là rất cần thiết trong giai đoạn này.
Cẩm Hạnh
https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Phoi-hop-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc-nganh-nang-luong-tai-tao-6-8-13254