Ổn định chính sách cho năng lượng tái tạo

Những lời mời gọi, các chính sách ưu đãi trong những năm gần đây của Chính phủ đã thu hút làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời.

Tuy nhiên, nghịch lý là giữa bối cảnh nước ta luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện thì không ít dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không được huy động hết công suất, hoặc rơi vào cảnh “đắp chiếu” dù đã sẵn sàng phát điện. Phải chăng chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế rõ ràng cho NLTT? Vệt bài của Báo Quân đội nhân dân sẽ góp phần giải đáp vấn đề này.

Không thể chậm trễ

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA): NLTT sẽ chiếm gần 95% mức tăng công suất điện trên thế giới cho đến năm 2026. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng nguồn NLTT và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030, tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050. Mỹ, quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như khí tự nhiên, dầu, than đá cũng đang đẩy mạnh phát triển NLTT. Trung Quốc cũng xem việc phát triển nguồn NLTT là nhiệm vụ trọng tâm. Trong tổng kết kế hoạch 5 năm từ 2016-2020, tổng đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp NLTT đã lên đến hơn 360 tỷ USD.


Một góc Nhà máy Điện gió Đông Hải 1, Trà Vinh. Ảnh: NAM BẰNG 

Việt Nam là quốc gia có nhu cầu sử dụng điện khá cao, với mức tăng trưởng nhu cầu điện năng khoảng 10%/năm. Trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn cơ bản khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt điện khí giá cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thế giới... Vì vậy, Việt Nam không thể chậm trễ trong xu hướng phát triển NLTT. Với bờ biển dài, thời tiết của khu vực nhiệt đới, Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất NLTT.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trên thế giới, NLTT đang phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng hơn 15-30%/năm. Hiện, lĩnh vực NLTT của Việt Nam có tiềm năng lớn, nhiều nước mơ ước. Với điện gió, tổng tiềm năng kỹ thuật đạt 377.000MW, trong đó điện gió trên đất liền khoảng 217.000MW, mặt biển khoảng 160.000MW. Với năng lượng mặt trời, theo tính toán, sẽ có tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 434.000MW; trong đó, điện mặt trời quy mô lớn mặt đất khoảng 309.000MW; trên mặt nước khoảng 77.000MW; trên mái nhà khoảng 48.000MW.

Chính sách đúng đắn

Nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của ngành công nghiệp NLTT, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn NLTT; trong đó có cơ chế giá ưu đãi cố định (FIT) với điện mặt trời tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ; với điện gió là Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các quyết định trên đã tạo đột phá, thu hút hàng tỷ USD của nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vào điện mặt trời, điện gió.

 Đáng chú ý, định hướng tiếp tục gia tăng tỷ trọng điện NLTT trong tổng nguồn cung điện Việt Nam nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở đường cho một thời kỳ phát triển NLTT ở nước ta và mở ra cơ hội lớn cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Quan điểm chỉ đạo nêu tại nghị quyết là phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT, năng lượng mới, năng lượng sạch; nhằm hướng tới mục tiêu tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ là đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050-điều mà không nhiều nước đang phát triển dám cam kết, NLTT càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu này. Theo thống kê, ngành năng lượng chiếm khoảng 3/4 lượng phát thải khí carbon hiện nay. Do đó, chìa khóa để giải bài toán giảm khí thải carbon sẽ đến từ việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng các nguồn NLTT như gió, mặt trời. Tận dụng “chìa khóa” này, ngay sau Hội nghị COP26, bản dự thảo Quy hoạch điện VIII tưởng như sắp phê duyệt lập tức được Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan chỉnh sửa lại. "Tăng điện từ NLTT, giảm điện than" chính là yêu cầu xuyên suốt của Chính phủ trong quá trình xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Tổng công suất điện nhảy vọt nhờ điện gió, điện mặt trời

 Với các định hướng và cơ chế giá hấp dẫn (cơ chế giá FIT với giá mua điện 8,38-9,35cent/kWh), thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc về điện gió, điện mặt trời. 

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620MW, tăng gần 7.500MW so với năm 2020. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện NLTT (gió, mặt trời) là gần 20.700MW, tăng 3.420MW so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 27% trong hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Các dự án NLTT đã kịp thời bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện than, điện khí chậm tiến độ, góp phần giảm lượng điện phát dầu (có giá thành cao) trong những tháng phụ tải cao điểm mùa khô.

Tiêu biểu trong các nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group). Bắt đầu đầu tư các dự án NLTT từ năm 2018, đến nay, Trungnam Group đã vươn lên trở thành nhà đầu tư dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này. Dự kiến, đến năm 2025, Trungnam Group sẽ nâng mức công suất sở hữu lên thành 3.800MW năng lượng tái tạo và 1.500MW điện khí LNG, đóng góp vào tiến trình giảm phát thải carbon tương đương hơn 13 triệu tấn carbon so với điện than; đồng thời duy trì tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm.


Một góc Nhà máy Điện gió số 5, Ninh Thuận. 

Từ chỗ chỉ có 5MW điện mặt trời, sau hơn 3 năm, khi Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, điện mặt trời ở Việt Nam đã tăng trưởng thần tốc với tổng công suất trên cả nước đạt 16.564MW (bao gồm 8.904MW điện mặt trời tập trung, 7.660MW điện mặt trời mái nhà). Đối với điện gió, thời điểm trước khi Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg được ban hành, cả nước mới chỉ có 9 dự án điện gió đi vào vận hành với công suất khiêm tốn là 353MW. Nhờ cơ chế hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư, đến cuối năm 2021, cả nước đã có thêm 4.126MW điện gió được đưa vào vận hành với giá FIT khuyến khích của Chính phủ. Như vậy, chỉ trong hơn 3 năm, nhờ cơ chế tốt, đất nước ta đã có thêm gần 20.700MW công suất điện NLTT. Con số này chưa tính đến sự hiện diện nhiều dự án, phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không vào kịp thời hạn được hưởng giá FIT, phải "đắp chiếu", không được công nhận vận hành thương mại. 

Có thể thấy, thời gian phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời ngắn nhưng công suất thu được lại lớn. Qua đó để thấy chính sách đúng sẽ tạo ra sự hứng khởi vào cuộc của cả xã hội, tạo ra hiệu quả cao.

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/on-dinh-chinh-sach-cho-nang-luong-tai-tao-705444