Chính phủ Nga vừa quyết định quốc hữu hoá một trong những dự án khai thác khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vốn có sự tham gia của các doanh nghiệp phương Tây. Điều này có thể gây xáo trộn mạnh thị trường khí LNG trên toàn cầu.
Dự án Sakhalin-2 là một trong những dự án khí LNG lớn nhất thế giới, chiếm 4% tổng nguồn cung khí LNG toàn cầu và là nguồn cung cấp khí LNG chính cho thị trường Đông Bắc Á (Ảnh: The Times)
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký quyết định thành lập một công ty mới của Nga để tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment Co. – đơn vị đang vận hành dự án khai thác dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga.
Trong cơ cấu cổ đông của Sakhalin Energy Investment Co., tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom nắm 50% cổ phần cộng thêm một cổ phiếu, tập đoàn năng lượng Anh Shell nắm 27,5% cổ phần trừ một cổ phiếu, lượng cổ phần còn lại do hai doanh nghiệp Nhật Bản nắm giữ là Mitsui và Mitsubishi.
Việc Nga tiến hành quốc hữu hoá Sakhalin Energy Investment Co. và giành quyền kiểm soát toàn bộ dự án khai thác dầu khí Sakhalin-2 sẽ buộc tập đoàn dầu khí Shell (Anh) và các nhà đầu tư của Nhật Bản phải rút lui khỏi dự án này. Đây được xem là sự đáp trả của Nga đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang áp đặt lên nước này.
Dự án Sakhalin-2 là một trong những dự án khai thác khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất thế giới với sản lượng chiếm khoảng 4% tổng sản lượng LNG toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí LNG cho các quốc gia khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giới quan sát cảnh báo động thái này của Nga có thể gây ra những đảo lộn mới trên thị trường LNG toàn cầu vốn đang trong trạng thái căng thẳng nguồn cung nghiêm trọng cho dù Nga hiện khẳng định việc kiểm soát hoàn toàn dự án Sakhalin-2 không gây ra bất kỳ trở ngại nào cho nguồn cung LNG.
Ngày 1/7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng quyết định quốc hữu hoá dự án Sakhalin-2 của Nga sẽ không ngay lập tức dẫn đến việc Nhật Bản dừng nhập khẩu LNG từ dự án này. Lượng LNG nhập khẩu từ Nga hiện đáp ứng 10% tổng nhu cầu sử dụng khí LNG hàng năm của Nhật Bản và phần lớn nguồn cung này đến từ dự án Sakhalin-2 với các hợp đồng cung ứng dài hạn.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Nhật Bản có lượng dự trữ LNG đủ dùng trong 2 – 3 tuần và nước này đã đề nghị các đối tác như Hoa Kỳ và Australia hỗ trợ thêm nguồn cung trong trường hợp cần thiết.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc Nga quốc hữu hoá dự án Sakhalin-2 sẽ làm gia tăng những những rủi ro mà các công ty phương Tây hoạt động ở Nga phải đối mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Chuyên gia phân tích Saul Kanovic thuộc tập đoàn ngân hàng Credit Suisse (Thuỵ Sĩ) cho biết, trong dài hạn, sản lượng khí LNG của Nga từ những dự án như Sakhalin-2 có thể suy giảm do mất đi nguồn chuyên gia và đối tác nước ngoài. “Việc này sẽ khiến thị trường LNG toàn cầu thắt chặt hơn trong thập kỷ này”, ông Saul Kanovic cảnh báo.
Hiện tại nguồn cung khí LNG cho khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, đang trở nên căng thẳng sau khi cơ sở hoá lỏng khí tự nhiên lớn nhất Hoa Kỳ Freeport gặp sự cố và ngưng hoạt động từ giữa tháng 6.
Việc Freeport LNG ngưng hoạt động sẽ khiến Hàn Quốc mất đi nguồn cung khí tương đương 17% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng của nước này, con số này đối với Nhật Bản là khoảng 3,5% tổng nhu cầu sử dụng hàng tháng. Dự kiến Freeport sẽ chỉ có thể hoạt động trở lại vào cuối năm nay; trong khi đó, các khách hàng sử dụng khí LNG đang phải tăng cường tích trữ cho mùa Đông tới đây.
http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nga-quoc-huu-hoa-du-an-khi-lng-quan-trong-thi-truong-khi-toan-cau-co-the-bi-xao-tron-lon-89849.htm