Nga đẩy nhanh liên kết năng lượng với châu Á

Trong bối cảnh châu Âu đối mặt tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng, Nga dự tính ký thỏa thuận khí đốt mới với Trung Quốc và sớm thúc đẩy các khâu cuối cùng để khởi công dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Pakistan.


Một phần đường ống dự án “Sức mạnh Siberia 1”. Ảnh: Bloomberg

Rục rịch dự án “Sức mạnh Siberia 2”

Tờ VOA mới đây cho biết “gã khổng lồ” năng lượng Gazprom của Nga trong năm nay dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên khổng lồ thứ hai chạy từ Siberia đến Trung Quốc gọi là “Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2)” mà các nhà phân tích năng lượng và giới ngoại giao phương Tây coi là một dự án địa chính trị có thể mang lại rắc rối cho châu Âu. Theo VOA, đường ống dẫn khí đốt quy mô lớn, dự kiến sẽ đi qua Mông Cổ này có thể cung cấp tới 50 tỉ m3 khí đốt của Nga cho Trung Quốc mỗi năm. Sau khi đi vào hoạt động năm 2030, đường ống thuộc sở hữu của cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Gazprom này sẽ cùng đường ống “Sức mạnh Siberia 1” cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.

Trong khi “Sức mạnh Siberia 1”, hệ thống vận chuyển khí đốt lớn nhất miền Ðông nước Nga, đảm trách vận chuyển khí đốt từ mỏ Chayandinskoye của Nga tới miền Bắc Trung Quốc theo hợp đồng 30 năm ký giữa Gazprom và CNPC vào năm 2014 với lượng khí đốt hàng năm lên tới 38 tỉ m3, có giá trị hợp đồng 400 tỉ USD và đạt công suất thiết kế vào năm 2025, “Sức mạnh Siberia 2” sẽ cung cấp khí đốt cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ Bán đảo Yamal của Siberia, nơi chuyên xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Do đó, giới chức phương Tây lo ngại rằng dự án này có thể sẽ có những tác động địa chính trị nghiêm trọng đối với các quốc gia tại lục địa già đang thiếu hụt năng lượng trước khi họ bắt tay vào quá trình chuyển đổi lâu dài sang năng lượng tái tạo và tránh xa nhiên liệu hóa thạch. Thời gian qua, các nhà lãnh đạo và quan chức phương Tây cáo buộc Nga làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng gây ảnh hưởng nặng nề cho châu Âu hồi năm ngoái.

Giới phân tích cho rằng dự án năng lượng Trung - Nga mới nói trên sẽ mang lại cho Mát-xcơ-va đòn bẩy bổ sung khi thương lượng giá cả với các khách hàng châu Âu, đặc biệt là vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng. Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Mát-xcơ-va, cho rằng một khi thỏa thuận xây dựng dự án “Sức mạnh Siberia 2” được ký kết, Nga sẽ có một tuyến đường thay thế để vận chuyển khí đốt của mình.

Thúc đẩy dự án “Dòng chảy Pakistan”

Bên cạnh đó, Nga cũng nhanh chóng thúc đẩy các khâu cuối cùng để khởi công dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ nước này sang Pakistan gọi là Dòng chảy Pakistan (Pakstream) với vốn đầu tư từ 2,5-3 tỉ USD vào cuối năm 2023. “Sau nhiều năm đàm phán, Nga và Pakistan cuối cùng đã ký một thỏa thuận và kể từ đó có những tiến bộ đáng kể. Chúng tôi đã tổ chức nhiều vòng tham vấn kỹ thuật, gồm cả vấn đề tài chính. Ngay sau khi các chi tiết cuối cùng được thống nhất, chúng tôi bắt đầu xây dựng” - Ðại sứ Pakistan tại Nga S.A.Khan trong một buổi họp báo hồi đầu tháng 9 năm ngoái cho biết.

Theo hồ sơ thiết kế, dự án “Dòng chảy Pakistan” có đường ống dài 1.100km, công suất cấp khí tự nhiên 16 tỉ m3/năm. Trong đó, doanh nghiệp Pakistan nắm giữ 74% cổ phần, doanh nghiệp Nga nắm giữ 26% còn lại.

Ðể xúc tiến triển khai dự án, Nga và Pakistan hồi cuối tháng 5 năm ngoái đã ký thỏa thuận cuối cùng về việc xây dựng tuyến đường ống nối cảng Karachi và cảng Gwadar với các nhà máy điện, trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc tỉnh Punjab. “Ðường ống dẫn khí Dòng chảy Pakistan sẽ cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ cảng Karachi đến thành phố Lahore, mang lại lợi ích chung cho các đối tác Pakistan” - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết trong chuyến thăm Pakistan hồi tháng 4-2021.

Theo nhà ngoại giao xứ bạch dương, Mát-xcơ-va sẵn sàng cung cấp LNG cho Pakistan, giúp quốc gia này giải quyết cơ bản tình trạng khan hiếm khí đốt trong tương lai gần. Ðược biết, giá trị nhập khẩu năng lượng của Pakistan hồi năm 2020 ở mức 10 tỉ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch nhập khẩu 40,86 tỉ USD của nước này. Ðây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt Nga. Hiện Pakistan đang mua LNG chủ yếu từ Qatar nhưng vẫn thiếu hụt khoảng 1 tỉ m3 khí đốt/tháng, con số đó dự kiến sẽ tăng lên gấp 2 lần vào năm 2025 và hơn 3 lần vào năm 2030.

https://baocantho.com.vn/nga-day-nhanh-lien-ket-nang-luong-voi-chau-a-a142519.html