Năng lượng tái tạo ở nơi có nhiều dầu mỏ nhất trái đất

 Trung Đông đang bắt tay vào quá trình chuyển đổi năng lượng với sự gia tăng năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời, để vượt qua nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện vào năm 2040.

Một cơ sở năng lượng mặt trời ở Arab Saudi. Ảnh Reuters

Trung Đông luôn là khu vực đóng vai trò quan trọng bậc nhất đến an ninh năng lượng thế giới với 48,4% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu cùng chỉ số dự trữ/sản xuất (R/P ratio) đạt 72,1 năm, sản xuất 33,3% sản lượng và chiếm trên 38,5% số lượng dầu mỏ xuất khẩu toàn thế giới trong năm 2018; nắm giữ 38,4% tổng trữ lượng khí đốt toàn cầu với chỉ số dự trữ/sản xuất (R/P ratio) 109,9 năm, sản xuất hơn 17,8% số lượng khí đốt của thế giới trong năm 2018.

Công suất năng lượng tái tạo ở Trung Đông dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới. Theo nghiên cứu mới nhất của Rystad Energy, các nguồn năng lượng xanh sẽ vượt qua việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện vào năm 2040. Năng lượng mặt trời sẽ nổi lên như nguồn năng lượng chính, chiếm hơn một nửa nguồn cung năng lượng của khu vực vào giữa thế kỷ này, so với mức 2% vào năm ngoái. Đến năm 2050, các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời và gió, dự kiến sẽ chiếm 70% cơ cấu sản xuất điện của Trung Đông. Bước nhảy vọt đáng kể này, từ mức chỉ 5% vào cuối năm 2023, đánh dấu sự chuyển đổi căn bản về bối cảnh năng lượng của khu vực. Tuy nhiên, bất chấp việc gia tăng lắp đặt năng lượng sạch, khu vực này vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và khí đốt tự nhiên trong thời gian tới, với mức sử dụng dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất vào khoảng năm 2030.

Bối cảnh kinh tế và nhân khẩu học

Ngành năng lượng Trung Đông đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Từng là cường quốc dầu khí, khu vực này đang chuyển trọng tâm sang năng lượng tái tạo để đáp ứng tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh chóng, dân số ngày càng tăng và áp lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải carbon. Trung Đông, nơi sinh sống của hơn 280 triệu người với tốc độ dân số tăng nhanh nhất thế giới, đã chứng kiến nhu cầu năng lượng tăng gấp đôi trong 20 năm qua. Vào năm 2050, nhu cầu năng lượng sẽ đạt khoảng 2.000 terawatt giờ (TWh), so với 1.200TWh hiện nay, do phát triển công nghiệp, tăng trưởng dân số, điện khí hóa giao thông cùng nhiều lĩnh vực khác.

Tác động của khu vực dân dụng và công nghiệp

Hiện nay, khu vực dân dụng chiếm 40% tổng nhu cầu năng lượng, tiếp theo là khu vực thương mại ở mức 26% và khu vực công nghiệp ở mức 22%. 12% còn lại bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp và giao thông vận tải. Sản xuất điện ở Trung Đông chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, chiếm 93% tổng sản lượng vào cuối năm 2023. Năng lượng tái tạo chiếm 3%, hạt nhân và thủy điện mỗi loại chiếm 2%. Sản xuất điện từ khí đốt tự nhiên chiếm gần 3/4 sản lượng điện của khu vực.

Dự báo và thách thức đối với năng lượng xanh


Đến năm 2030, khoảng 30% công suất lắp đặt của khu vực dự kiến sẽ đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, với tiềm năng tăng lên 75% vào năm 2050. Việc lưu trữ năng lượng bằng pin dự kiến sẽ tăng đáng kể vào những năm 2030, hỗ trợ tính không liên tục của năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra suôn sẻ. Do tiềm năng thủy điện và giá khí đốt tương đối thấp, Trung Đông sẽ tiếp tục sử dụng điện do các nhà máy khí đốt tạo ra làm nguồn cung chính và cuối cùng là nhiên liệu chuyển tiếp dài hạn.

Các sáng kiến và tiến bộ khu vực


Mặc dù Trung Đông có phần tụt hậu so với châu Á và châu Phi trong việc chuyển đổi năng lượng tái tạo nhưng các dự án đầy triển vọng vẫn đang được triển khai. Ví dụ, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman và Israel dự kiến sẽ chiếm gần 2/3 tổng công suất năng lượng mặt trời của khu vực vào cuối thập kỷ này. Dự án năng lượng mặt trời Sudair ở Ả Rập Saudi, với công suất 1,5GW, hiện đã đi vào hoạt động, nâng tổng công suất năng lượng mặt trời lắp đặt của cả nước lên hơn 2,7GW.

Cam kết của các nước Trung Đông

Ả Rập Saudi đang đặt mục tiêu đạt công suất hơn 58GW vào năm 2030, thể hiện cam kết của nước này trong việc tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo. UAE có kế hoạch tăng công suất điện mặt trời từ 6GW hiện nay lên 14GW vào năm 2030, với mục tiêu sử dụng 44% năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng vào năm 2050. Trong khi đó, Oman có kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo từ 700MW hiện nay lên gần 3GW vào năm 2025 và 4,5GW vào năm 2030. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Trung Đông không chỉ cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và đa dạng hóa nền kinh tế mà còn rất quan trọng để đạt được các mục tiêu bền vững lâu dài của khu vực.

Anh Thư

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nang-luong-tai-tao-o-noi-co-nhieu-dau-mo-nhat-trai-dat-712219.html