Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến mức ô nhiễm giảm kỷ lục từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm ngoái.
Năng lượng tái tạo châu Âu “lên ngôi”
Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember, sản lượng điện than của châu Âu giảm 26% và điện từ khí đốt giảm 15% vào năm 2023. Sự suy giảm này khiến lượng phát thải từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch của EU giảm tới 19%. Hơn nữa, lần đầu tiên, năng lượng điện từ gió chiếm 18%, vượt qua điện từ khí đốt, vốn chỉ chiếm 17% điện năng của châu Âu.
Ngoài ra, sản lượng điện từ năng lượng gió và mặt trời (chiếm 9% điện năng của châu Âu) hiện đang chiếm vị trí trung tâm, đạt mức cao mới, chiếm 27% lượng điện của EU vào năm 2023. Với việc thủy điện cũng phục hồi trở lại, năng lượng tái tạo đã đạt tỷ trọng kỷ lục 44% trong tổng nguồn năng lượng của toàn khối EU.
Sản lượng điện than châu Âu giảm mạnh, nhường chỗ cho nguồn điện lấy từ năng lượng gió và mặt trời
“Ngành năng lượng của châu Âu đang có sự thay đổi lớn. Nguồn điện lấy từ nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò nhỏ, trong khi hệ thống điện từ gió và mặt trời đóng vai trò làm trung tâm”, Sarah Brown, Giám đốc chương trình châu Âu của Ember cho hay.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) năm 2023 công suất năng lượng tái tạo của thế giới đã tăng thêm 50% so với năm trước và dự đoán đà tăng trưởng công suất này sẽ bùng nổ trong 5 năm tới.
IEA cho biết trong một tuyên bố: “Công suất năng lượng tái tạo được bổ sung vào các hệ thống năng lượng trên toàn thế giới đã tăng 50% vào năm 2023, đạt gần 510 GW, trong đó năng lượng mặt trời chiếm 3/4”.
Giám đốc IEA, Fatih Birol cho rằng, theo các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đang trên đà tăng gấp 2,5 lần vào năm 2030.
Nguồn cung khí đốt Nga sang EU tiếp tục tăng
Theo truyền thông Nga, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Nga sang EU đã tăng 41% so với tháng trước, lên tới 2,52 tỷ m3 (bcm).
Cụ thể, vận chuyển khí đốt qua Ukraine đến các nước EU và Moldova đạt tổng cộng 1,29 bcm trong tháng 1. Con số này tăng 32% so với lượng bơm qua Ukraine vào tháng 1/2023. Khối lượng còn lại được vận chuyển qua đường ống TurkStream.
Được biết, tuyến đường trung chuyển qua Ukraine và nhánh TurkStream ở châu Âu hiện là hai tuyến đường ống duy nhất còn lại đưa khí đốt của Nga đến Trung và Tây Âu.
Theo Hiệp hội Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, người tiêu dùng EU đã sử dụng hơn 30% lượng khí đốt dự trữ dưới lòng đất trong 3 tháng qua.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cho biết, các nước EU tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về việc từ bỏ nguồn cung.
Trước đó, theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) của Phần Lan, EU vẫn là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga xét về cả đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) năm 2023.
Mặc dù nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống giảm 60% sau vụ nổ Dòng chảy phương Bắc và việc đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Yamal - châu Âu, xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Nga cho châu Âu vẫn tăng lên.
Thanh Bình
Nguồn:Năng lượng tái tạo châu Âu “lên ngôi”; nguồn cung khí đốt của Nga sang EU tiếp tục tăng (congthuong.vn)