Trung Quốc đã ghi nhận sự tăng trưởng
mạnh mẽ trong việc đầu tư cho những dự án năng lượng tái tạo trong gần
một năm qua, đặc biệt là các dự án điện mặt trời.
Xu thế chuyển đổi tất yếu
Kế hoạch của Trung Quốc phản ánh cam kết của nước này trong việc giảm lượng khí thải và chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch.
Theo
dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, thời gian gần đây,
các công ty sản xuất điện hàng đầu của Trung Quốc đã đầu tư hơn 662 tỷ
Nhân dân tệ (tương đương trên 92,3 tỷ USD) vào các dự án cung cấp điện,
tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2022.Trong đó, đầu tư vào sản xuất năng
lượng mặt trời đã tăng hơn 71%, còn đầu tư vào điện gió cũng tăng 42,5%.
Sản
xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch tại Trung Quốc đã vượt lên trên
sản xuất từ dầu và than đá, đóng góp quan trọng vào lưới điện quốc gia.
Công suất lắp đặt điện tích lũy của Trung Quốc trong 10 tháng qua đã
tăng 12,6%, đạt 2,81 tỷ kW.
Không
chỉ được biết đến là một trong những nỗ lực nhằm giảm lượng khí thải mà
Trung Quốc còn đặt mục tiêu đạt đỉnh carbon trước năm 2030 và tiếp tục
giảm thải khí carbon trong các năm tiếp theo. Điều này được hỗ trợ bởi
các biện pháp thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo.
Một
cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở
Helsinki, Phần Lan, cho thấy 2/3 số chuyên gia được hỏi tin rằng Trung
Quốc sẽ đạt đỉnh carbon trước năm 2030 và tiếp tục giảm lượng khí thải
carbon trong những năm sau đó.
Với
cam kết đặt ra trong thỏa thuận với Mỹ và sự đầu tư mạnh mẽ cho năng
lượng tái tạo, Trung Quốc nhấn mạnh sẽ nhanh chóng thay thế năng lượng
từ than, dầu mỏ và khí đốt để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải của ngành
điện trước năm 2030.
Luật Năng lượng Tái tạo
Như
một xu thế tất yếu, Luật Năng lượng Tái tạo của Trung Quốc (REL) đã ra
đời năm 2005 và được sửa đổi năm 2009. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai
thế giới còn có các luật liên quan đến vấn đề năng lượng tái tạo, chẳng
hạn như Luật Năng lượng chung, hoặc Luật bảo vệ Môi trường và khí hậu.
Trong tầm nhìn 5 năm, trung hạn, dài
hạn, Trung Quốc đã phát triển một loạt các kế hoạch, đưa ra các hướng
dẫn và mục tiêu để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo (NLTT).
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những mục tiêu về tăng tỷ lệ năng lượng
tái tạo từ 11% trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 đến 15% trong Kế hoạch
lần thứ 12 cùng với các hướng dẫn phát triển cho ngành công nghiệp năng
lượng tái tạo Các quy hoạch ở quốc gia này có vị trí đặc biệt trong hệ
thống luật, cũng như chính sách về năng lượng tái tạo. Cho đến nay,
Trung Quốc đã hình thành một hệ thống pháp luật toàn diện về NLTT, cơ
bản dựa trên REL và được bổ sung bởi các luật, chính sách liên quan
khác.
Trong những năm gần đây,
Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển
NLTT. Ngoài việc ban hành Luật Năng lượng Tái tạo năm 2005 và sửa đổi
Luật này vào năm 2009, Trung Quốc đã công bố một loạt các chính sách hỗ
trợ để thành lập một ủy ban tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực thủy điện,
năng lượng gió và quang điện. Khả năng chứng nhận, xây dựng và khảo sát
đã liên tục được củng cố để hỗ trợ sự phát triển quy mô lớn của các
phân ngành năng lượng tái tạo.
REL
năm 2005 và các sửa đổi của Luật Năng lượng tái tạo để lại nhiều chi
tiết sẽ được xác định bởi các quy định thi hành tiếp theo. Bởi vậy, bản
thân các sửa đổi sẽ không nhất thiết mang lại bất kỳ cải tiến nào cho
toàn bộ hệ thống trừ khi các quy định chi tiết, hiệu quả được ban hành.
Mặc
dù các chính sách thuận lợi cho phép thúc đẩy NLTT một cách linh hoạt
và nhanh hơn, nhưng về lâu dài, việc sửa đổi chính sách có thể không duy
trì được sự ổn định đối với quyền, nghĩa vụ của các nhà sản xuất NLTT,
thậm chí có thể làm suy yếu thẩm quyền của luật pháp.
Trên
thực tế, REL hiện nay là luật duy nhất quy định cụ thể các vấn đề NLTT,
song, nhiều chuyên gia đánh giá nó chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn.
Tương lai của REL được cho là sẽ tích hợp vào Luật Năng lượng. Hồi tháng
4 năm 2020, Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc (NEA) đã
công bố Dự thảo Luật Năng lượng để lấy ý kiến công chúng, trong đó nhấn
mạnh “Việc phát triển năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu”.
Với
những chính sách nổi bật, cùng với sự đầu tư mạnh tay từ Chính phủ, năm
2017, Trung Quốc đã chiếm gần một nửa tổng đầu tư toàn cầu vào năng
lượng tái tạo. Tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của Trung Quốc
đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016-2020, từ 530 GW lên 1.100 GW. Theo
NEA, năng lượng tái tạo của Trung Quốc hiện chiếm 43,5% tổng công suất
đặt, trong đó, công suất của các nhà máy thuỷ điện, điện gió, điện mặt
trời và điện sinh khối lần lượt là 385 GW, 299 GW, 282 GW và 35,34 GW,
đứng đầu thế giới. Trung Quốc đã tăng thêm 71,67 GW công suất điện gió
vào năm 2020, mức cao nhất từ trước đến nay và gần gấp 3 lần mức của năm
2019. Đặc biệt, Trung Quốc đã thực hiện được hầu hết các mục tiêu đã đề
ra với hiệu quả lên đến 80%.
Tóm
lại, sau kế hoạch 5 năm lần thứ 13, Trung Quốc đã trở thành một trong
những quốc gia gia hàng đầu thế giới về sản phẩm điện mặt trời và gió.
Dù các mục tiêu trong bản kế hoạch 5 năm lần thứ 13 không hoàn toàn mới
nhưng chú trọng hơn việc siết chặt cắt giảm tỷ trọng của than trong cơ
cấu năng lượng của đất nước và tăng mục tiêu cho lĩnh vực năng lượng tái
tạo. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đối mặt với các vấn đề liên quan đến
quản lý biến động trong sản phẩm sản xuất lượng gió và nắng và môi
trường quản lý.
Kết quả từ các chính sách của Trung Quốc
Mặc
dù còn tồn tại nhiều hạn chế, Luật NLTT đã giúp cho ngành NLTT Trung
Quốc phát triển với tốc độ hàng đầu thế giới. Tính đến cuối tháng
2/2023, công suất đặt điện gió ở Trung Quốc đạt 370 GW. Trong đó, điện
gió trên đất liền là 340 GW và ngoài khơi 30 GW. Công suất đặt điện mặt
trời đạt 410 GW, chủ yếu là quang điện, chỉ có 670 MW điện mặt trời
nhiệt. Tốc độ tăng công suất điện gió trong năm 2022 là 11% và điện mặt
trời là 30,8%.
Nhờ vào những chính sách chuyển đổi năng
lượng quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc, nước này đã và đang đạt được
những bước tiến lớn về năng lượng tái tạo. Hiện tại, Trung Quốc đang
dẫn đầu thế giới về đầu tư vào lĩnh vực này với 546 triệu USD trong năm
2022. Năng lượng tái tạo của Trung Quốc đáp ứng được 47,3% nhu cầu trong
nước vào cuối năm 2022. Tỷ lệ này tăng 2,5 điểm phần trăm so với năm
trước đó. Cụ thể, sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo của
Trung Quốc là 8.694 TWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các
nguồn năng lượng nhiên liệu không hóa thạch như năng lượng hạt nhân,
năng lượng hydro… chiếm 50,9% tổng công suất lắp đặt của cả Trung Quốc,
đánh dấu việc hoàn thành sớm mục tiêu chính phủ đề xuất vào năm 2021,
theo đó công suất tái tạo được lên kế hoạch vượt quá công suất nhiên
liệu hóa thạch vào năm 2025.
Trung
Quốc cũng đã đạt được những bước tiến lớn về khai thác năng lượng gió:
tổng công suất trên đất liền và ngoài khơi của nước này hiện là 310 GW,
gấp đôi năm 2017. Một số nhà máy điện mặt trời và điện gió lớn nhất thế
giới tại Trung Quốc có thể kể đến như nhà máy điện mặt trời Longyangxia ở
tỉnh Thanh Hải có công suất 850 MW, và nhà máy điện gió Jiuquan ở tỉnh
Giang Tô có công suất 1.500 MW. Với các dự án mới ở Nội Mông, Tân Cương,
Cam Túc và dọc theo các khu vực ven biển, Trung Quốc đang chuẩn bị bổ
sung thêm 371 GW nữa trước năm 2025, tăng gần gấp đôi năng lượng gió
trên toàn thế giới.
Bình An
Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/luat-nang-luong-tai-tao-trung-quoc-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-700587.html