Viện nghiên cứu năng lượng Oxford (Oxford Institute for Energy Studies) đã ghi nhận sự gia tăng nguồn cung khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến các cảng châu Âu, nhất là trong tháng 12/2021, nhờ đó, đã giúp Châu Âu vào thời điểm cực kỳ khó khăn do thâm hụt nguồn cung khí đốt.
Cảng nhập LNG ở Rotterdam, Hà Lan.
Theo dữ liệu của Refinitive, trong quý đầu tiên của năm 2020, nguồn cung khí đốt đường ống sang EU ghi nhận sụt giảm trong khi nhập khẩu LNG vào EU gia tăng. Theo đó, nhập khẩu LNG vào EU tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, lên 38 tỷ m3. Trong quý IV/2021, tăng trưởng nhập khẩu LNG còn ấn tượng hơn, đạt mức 36%, lên 39,6 tỷ m3. Nếu trong quý I/2022, nhập khẩu LNG vào châu Âu tiếp tục gia tăng mạnh, Gazprom sẽ khó lặp lại kết quả xuất khẩu khí đốt của mình sang thị trường châu Âu như vào quý I/2021 (trong quý I/2021, sản lượng khí đốt đường ống từ Nga sang châu Âu đã tăng 25%, lên 64,5 tỷ m3; đồng thời nhập khẩu LNG của châu Âu giảm 28%, xuống còn 27,3 tỷ m3).
Các chuyên gia của Trung tâm năng lượng, Trường quản lý Moscow Skolkovo cho biết, Gazprom có thể sẽ gặp rủi ro lớn trong tình huống người tiêu dùng châu Âu ồ ạt ký các hợp đồng mua LNG dài hạn. Điều này sẽ không xảy ra trong ngắn hạn nhất là khi Gazprom đang chứng tỏ khả năng đàm phán và sẵn sàng đưa ra mức giá cạnh tranh. Bằng chứng của việc này là các hợp đồng khí đốt đã ký hoặc đang đàm phán với Hungary, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù vậy, vẫn chưa có tín hiệu nào từ các nước tiêu thụ lớn LNG ở châu Á cho thấy họ sẽ tăng nhập khẩu LNG khi giá cao. Và trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ LNG ở châu Á yếu hơn, nhiều chuyến hàng LNG sẽ đổi hướng đến châu Âu, cạnh tranh với khí đốt đường ống của Gazprom.
Lịch trình bơm khí đốt vào các kho dự trữ khí ngầm ở châu Âu đang chậm hơn đáng kể so với mọi năm. Tính đến 01/10/2020, tỷ lệ lấp đầy tại các cơ sở lưu trữ khí ngầm tại châu Âu là 95% thì đến tháng 01/10/2021, tỷ lệ này chỉ còn 75%, và tính đến ngày 14/01 vừa qua, tỷ lệ này đã thấp hơn 50%.
Các chuyên gia tại BCS Global Markets gợi ý rằng, tỷ lệ khí đốt được định giá dựa trên các thỏa thuận ngắn hạn tại các trung tâm sẽ giảm xuống còn khoảng 20% tùy thuộc vào sự biến động của nhu cầu và 80% còn lại sẽ được chia cho phần sản lượng được định giá dựa trên giá dầu, các thỏa thuận dài hơn và thậm chí có thể là hợp đồng với giá cố định.
Tuy nhiên, Nga luôn đưa ra thông điệp về hợp đồng dài hạn đảm bảo nguồn cung và coi đó là cơ sở để giải quyết những mâu thuẫn trên thị trường khí đốt Châu Âu.
Tiến Thắng
https://petrotimes.vn/lua-chon-nao-cho-chau-au-lng-hay-khi-dot-duong-ong-639343.html