Các cuộc khủng hoảng khí đốt ở khu vực Đông Âu làm tăng thêm sự cần thiết của LNG. Nhiên liệu này bắt đầu được xem xét là giải pháp thay thế cho các nguồn cung khí đường ống từ Gazprom.
Các nước châu Âu bắt đầu tích cực đầu tư vào năng lực tiếp nhận LNG, xây dựng các cảng biển mới, nâng tổng sản lượng LNG qua các cảng biển châu Âu (bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ) từ 170 tỷ m3 (2009) lên 250 tỷ m3 vào năm 2020. Con số này cao hơn đáng kể so với sản lượng khí đốt xuất khẩu hàng năm sang châu Âu của Gazprom. Hơn 40% sản lượng LNG nhập khẩu phục vụ các thị trường Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
Về lý thuyết, khả năng xử lý của các thiết bị đầu cuối LNG ở châu Âu có thể giúp thị trường này thay thế tất cả các nguồn cung khí đốt đường ống từ Nga. Tuy nhiên, thị trường châu Âu chưa bao giờ có nguồn cung LNG tự do lớn như vậy. Thực tế cho thấy, nguồn cung LNG cho châu Âu luôn thấp hơn đáng kể so với năng lượng tiếp nhận của các cảng biển. Trong giai đoạn 2012-2018, chỉ có khoảng 35-60 tỷ m3 LNG được cung cấp cho thị trường châu Âu mỗi năm.
Riêng trong giai đoạn 2019 - 2020, sản lượng LNG cung cấp cho châu Âu đã tăng lên 100 tỷ m3/năm. Hầu hết động lực tăng trưởng đến từ nguồn LNG giao ngay. Trong năm 2019, sản lượng LNG dư thừa trên thế giới chủ yếu được chuyển đến châu Âu do sở hữu nhiều cơ sở lưu trữ khí và đang triển khai chính sách thay thế nhiên liệu than bằng khí. Đến năm 2020, giá LNG sụt giảm do đại dịch, bắt đầu thay thế dần nguồn cung khí đường ống của Gazprom tại thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ có nguồn cung LNG theo hợp đồng dài hạn mới đảm bảo sự ổn định giá khí tại châu Âu. Trong giai đoạn 2020 - 2021, sản lượng này là khoảng 70 tỷ m3/năm. Do đó, việc thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của thị trường LNG giao ngay.
Những sự kiện trên thị trường nhiên liệu thế giới trong năm 2021 đã chứng minh thị trường LNG giao ngay có thể biến động như thế nào. Giá LNG tăng mạnh tại thị trường châu Á do thời tiết lạnh giá và sự phục hồi nhanh của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch. Chỉ một vài tháng sau, “cơn sốt” giá đã lan sang thị trường châu Âu khi giá khí giao ngay tăng từ 250 USD/1000 m3 (01/2021) lên 500 USD/1000 m3 (7/2021) và trên 1000 USD/1000 m3 (9/2021).
Với những kỷ lục giá như vậy, đáng nhẽ nguồn cung LNG tự do sẽ tập trung vào thị trường châu Âu, song điều đó đã không xảy ra. Trong 11 tháng đầu năm 2021, nguồn cung LNG cho thị trường châu Âu đã giảm khoảng 25% so với hai năm trước đó. Hầu hết lượng LNG giao ngay trên thị trường được chuyển đến thị trường châu Á, nơi mức giá còn cao hơn, đạt 2.000 USD/1000 m3 (10/2021). Ngoài ra, nhiều nhà cung cấp LNG cũng gặp khó khăn về vận chuyển trong năm nay. Theo thống kê của S&P Global Platts, tải trọng của các cơ sở xuất khẩu LNG trong năm 2021 cũng thấp hơn đáng kể so với mức trung bình trong 5 năm vừa qua và chỉ cao hơn chỉ số của năm 2020 trong mùa hè vừa qua.
Tiến Thắng
https://petrotimes.vn/lng-dau-voi-khi-duong-ong-cua-gazprom-635392.html