Lấp đầy lỗ hổng trong năng lượng tái tạo

Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu CNH-HĐH, góp phần giải quyết “bài toán” thiếu hụt năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Hành lang pháp lý đảm bảo vững chắc anh ninh năng lượng

Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tương đối đầy đủ. Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế chính sách khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2021 năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, không kể thủy điện) đã đạt 22,68 tỉ KWh, chiếm đến 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ phù hợp với giai đoạn 2021-2030, đó là các chương trình khoa học và công nghệ về năng lượng, chương trình khoa học và công nghệ về cơ khí tự động hóa, chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp, các chương trình đổi mới công nghiệp quốc gia, các chương trình để Việt Nam thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng với đó là những chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chương trình về phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Đặc biệt trong dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, sắp tới sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia được Bộ chú trọng đến các chương trình khoa học và công nghệ để phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, dành nguồn lực xứng đáng, tập hợp được đội ngũ nhà khoa học và có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, dự kiến tổng công suất điện sạch gồm điện khí, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 75% điện hệ thống, đóng góp sản lượng khoảng 70% trong tổng sản lượng điện...

Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang “điện sạch”, rõ ràng bên cạnh các chính sách khuyến khích, công nghệ năng lượng cũng là định hướng phát triển trong tương lai.

Việt Nam đang vận dụng tốt các tiềm năng lớn

Với vị trí địa lý, khí hậu và đặc thù của nước nông nghiệp đã tạo cho Việt Nam có tiềm năng dồi dào và khá đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng để tạo ra năng lượng như thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, gió, mặt trời, khí sinh học,...

Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, nền kinh tế nông nghiệp mạnh mẽ, đã tạo ra các điều kiện đa dạng và phong phú để khai thác và sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học.

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đã công bố tham vọng đối với ngành năng lượng. Đây là động thái tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực đầu tư thay thế trên thị trường. Đồng thời cũng phương án tuyệt vời cho các tập đoàn mong muốn phân bổ nguồn vốn vào những phân khúc đầu tư bền vững và chiếm ưu thế trong cuộc chiến đa dạng hóa các danh mục đầu tư của họ. Nhờ đó mà năng lượng tái tạo lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư.


Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, vấn đề sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo song song với tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất nhằm giảm chi phí và giảm thiểu sự tác động tiêu cực đối với môi trường đang nổi lên như một vấn đề cấp thiết. Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường.

Theo một Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nay, Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300 MW. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió khá lớn, với đường biển trải dài khiến lưu lượng gió dồi dào, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW.

Tiềm năng năng lượng gió của Việt nam tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… và các đảo.

Cùng với đó là tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng mặt trời, có thể khai thác cho các mục đích sử dụng như: Đun nước nóng, phát điện; Các dạng ứng dụng cho sấy, đun nấu...

Nguyễn Linh (T/h)

https://kinhtemoitruong.vn/lap-day-lo-hong-trong-nang-luong-tai-tao-62128.html