Không lãng phí nguồn năng lượng tái tạo

Trong khi đã có những cảnh báo về việc thiếu hụt điện năng, nhất là với nhiệt điện thì một số nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời lại chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chính là do hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng được yêu cầu về truyền tải. Thực trạng này khiến cho năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường đang bị lãng phí mặc dù đã tiêu tốn không ít nguồn lực đầu tư.

Những năm gần đây, phát triển sản xuất điện mặt trời nở rộ ở nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có địa hình, khí hậu thuận lợi. Việc đẩy mạnh khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời đã giúp kịp thời bổ sung điện năng phục vụ sản xuất, đời sống người dân, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Qua đó, góp phần quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do phát triển nhanh, lại chỉ chú trọng vào một số địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp nên hạ tầng lưới điện nhiều nơi bị quá tải. Kết luận mới đây của Bộ Công Thương về rà soát điện mặt trời mái nhà cho thấy, lĩnh vực này đang tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình vận hành hệ thống, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.


Không lãng phí nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: TTXVN. 

Phát triển các nguồn năng lượng nói chung, trong đó có năng lượng tái tạo chỉ phát huy hiệu quả nếu phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Điện năng phải đến được với người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu sử dụng. Một vấn đề đang gặp phải ở nhiều địa phương hiện nay là nhu cầu tại chỗ không tiêu thụ hết lượng điện mặt trời, điện gió làm ra nhưng không đưa được điện đi xa vì công suất của lưới điện, trạm biến áp còn hạn chế. Để giải quyết bài toán này, song song với đầu tư cho sản xuất điện cũng cần dành nguồn lực tương xứng cho hạ tầng lưới điện. Cùng với đó, cần đa dạng nguồn vốn, có cơ chế để thu hút vốn xã hội hóa. Cần xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng với những chính sách thật sự khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng. Thậm chí, có thể nghiên cứu giải pháp để doanh nghiệp tư nhân xây dựng hệ thống truyền tải, sau đó chuyển giao cho Nhà nước.

Cũng cần nhìn nhận một vấn đề, phong trào đầu tư điện mặt trời thời gian qua đã đẩy công suất của nguồn điện này vượt nhiều lần so với quy hoạch. Một số địa phương đã không còn dư địa để tiếp nhận thêm dự án năng lượng tái tạo. Điều đó cho thấy tính dự báo của quy hoạch còn hạn chế. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xây dựng quy hoạch mới cho phát triển điện năng trong giai đoạn tới. Một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra là quy hoạch phải có tầm nhìn, tính định hướng và sát với thực tiễn. Quá trình thực hiện quy hoạch cần bảo đảm không phá vỡ sự cân đối, hài hòa trong bức tranh tổng thể của ngành, lĩnh vực và phạm vi cả nước. Đồng thời, cần lựa chọn được những dự án mang tính khả thi cao, xác định thứ tự ưu tiên để không dàn trải nguồn lực.

Việt Nam đã có những cam kết và hành động mạnh mẽ để hướng tới nền kinh tế xanh, hạn chế phát thải, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu đó, việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa năng lượng tái tạo là yêu cầu tất yếu. Mở rộng nguồn điện cũng là giải pháp cần được ưu tiên giúp bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Muốn như vậy, chúng ta cần có những bước đi bài bản, đồng bộ, dần hình thành cơ sở hạ tầng điện năng hiện đại, tạo điểm tựa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân.

ĐỖ MẠNH HƯNG

https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-lang-phi-nguon-nang-luong-tai-tao-690775