[Khoáng sản năng lượng] Rất tiềm năng, cần nghiên cứu khai thác

Ngoài dầu khí, than là khoáng sản năng lượng có trữ lượng lớn và đang được khai thác thì Việt Nam còn có những nguồn khoáng sản năng lượng khác có tiềm năng khai thác trong tương lai.

Địa nhiệt là một nguồn năng lượng sạch, là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong tâm Trái đất như các suối nước nóng. Theo các tài liệu hiện có, có thể phân chia tài nguyên địa nhiệt thành 6 vùng tài nguyên theo sự phân chia các vùng nước khóang nóng: Tây Bắc, Nam Trung Bộ; Bắc Trung Bộ; Đông Bắc Bộ; đồng bằng Sông Hồng; đồng bằng Nam Bộ. Đến nay, chỉ có một nguồn địa nhiệt đang được thăm dò, đó là nguồn địa nhiệt Hội Vân ở Phù Cát, Bình Định. Các kết quả nghiên cứu dự báo tiềm năng phát triển sản xuất điện của thủy địa nhiệt thông thường ở Việt Nam hiện nay khoảng 680 MW điện. Thống kê từ các đề tài nghiên cứu và đánh giá tiềm năng địa nhiệt như sau: số điểm địa nhiệt đã được khảo sát là 311, số điểm nước khoáng nóng là 269.

Nhà máy điện địa nhiệt ở Indonesia

Băng cháy (GH)  là hỗn hợp đông lạnh của nước và khí tự nhiên đậm đặc dưới điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) cộng với nhiệt độ thấp (dưới 0°C). Các loại khí thiên nhiên do vi sinh vật tạo ra để tạo nên băng cháy thường là methane, ethane, propan….Trong trường hợp methane vượt quá 75% thành phần của băng cháy thì nó được gọi là methane hydrate.

Ở Biển Đông, băng cháy phát hiện rải rác các khu vực, nhưng tập trung chủ yếu nhiều ở khu vực phía Bắc Biển Đông, đặc biệt là khu Đông Bắc. Qua kết quả nghiên cứu của Tổng cục Biển và Hải đảo và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, xác định vùng biển Việt Nam có 4 vùng: Quần đảo Hoàng Sa và kế cận; Phú Khánh; Tư Chính - Vũng Mây và Quần đảo Trường Sa và kế cận có triển vọng về băng cháy. Các vùng tồn tại khí hydrate chủ yếu nằm dưới độ sâu 550m nước tương ứng với nhiệt độ đáy biển 7,5-7,8 độ C.

Khí đá phiến cũng là một khoáng sản năng lượng đang được nghiên cứu. Trong những năm gần đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành các chương trình nghiên cứu dầu khí đá phiến (shale oil and gas) các bể trầm tích trước Đệ tam trên thềm lục địa Việt Nam, khí than (CBM) ở khu vực miền võng Hà Nội, Thanh Nghệ, Tuy Hòa…

Trước đó, năm 2013, kết quả đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thực hiện cho thấy một tiềm năng khí đá phiến lớn ở khu vực Tây Bắc Việt Nam. Trong đó, xác định được 01 diện tích có triển vọng khí đá phiến phân bố tại phía bắc của đới cấu trúc riff Sông Đà bao gồm các thành tạo trầm tích đá phiến sét đen của các hệ tầng Mường Trai và Nậm Mu với giá trị TOC trung bình lần lượt là 0,64% và 0,53%, đặc biệt có mẫu ĐP.7122 có hàm lượng TOC = 2,15%. Theo các kết quả nghiên cứu, trữ lượng dầu khí đá phiến ở Việt Nam khoảng 77 TCF, tương đương 2.180 tỷ m3.

Thái Hà

Nguồn: [Khoáng sản năng lượng] Rất tiềm năng, cần nghiên cứu khai thác (thiennhienmoitruong.vn)