Khách hàng tiềm năng của trung tâm khí đốt Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt tay vào việc xây dựng trung tâm khí đốt chung, đồng thời chỉ ra những khách hàng tiềm năng.

Khách hàng tiềm năng của trung tâm khí đốt Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay xây dựng trung tâm khí đốt chung. Ảnh: AFP/EIG

Trung tâm khí đốt đảm bảo giá cả minh bạch

Mátxcơva và Ankara đã bắt đầu làm việc để thiết lập một trung tâm phân phối khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ - RT dẫn lời ông Aleksey Miller, người đứng đầu tập đoàn dầu khí Nga Gazprom, cho hay.

Theo ông Miller, sáng kiến này nhằm giúp đảm bảo giá cả minh bạch và công bằng trên thị trường khí đốt.

Ý tưởng thành lập một trung tâm cung cấp khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất vào tháng 10. Ông Putin cho biết, trung tâm này sẽ cho phép Nga chuyển hướng khí đốt đường ống Nord Stream bị hỏng ở Biển Baltic đến khu vực Biển Đen. 

Tổng thống Nga cũng lưu ý, trung tâm khí đốt sẽ không chỉ là một nền tảng phân phối mà còn có thể được sử dụng để xác định giá khí đốt và tránh “chính trị hóa” năng lượng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hoan nghênh ý tưởng này, tuyên bố EU sẽ có thể mua khí đốt Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nhắc lại, Washington tiếp tục thúc giục các đồng minh thực hiện các bước để đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, đề xuất biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm khí đốt “không có ý nghĩa gì”, vì Châu Âu đặt mục tiêu loại bỏ năng lượng của Nga.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak khẳng định, Nga và các nhà nhập khẩu năng lượng Châu Âu đang tích cực thảo luận về việc tăng nguồn cung khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi trung tâm này được thành lập.

"Hiện tại, công việc đang được tiến hành với các quốc gia sẽ tham gia thực hiện dự án, cũng như với những người tiêu dùng cần khí đốt của Nga" - ông  Novak cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS.

Ảnh: AFP
Nhiều khách hàng Châu Âu vẫn cần khí đốt Nga. Ảnh: AFP

Khách hàng tiềm năng

Bộ trưởng Novak cho biết thêm, thị trường khí đốt Châu Âu vẫn "có liên quan" đối với Nga và có nhiều phương tiện để cung cấp khối lượng bổ sung, bao gồm cả thông qua đường ống Yamal - Châu Âu đã bị đóng cửa "vì động cơ chính trị".

Đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) đang hoạt động hết công suất; tuyến đường ống qua Ukraina cung cấp cho Châu Âu 1/3 khối lượng theo quy định trong hợp đồng, bất chấp mọi mâu thuẫn; và việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tới Châu Âu đã tăng lên 19,4 tỉ USD trong năm nay.

Khi được hỏi về việc khôi phục các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream bị nổ ở Biển Baltic, ông Novak cho biết việc này đòi hỏi thời gian và tiền bạc, và việc đánh giá đầy đủ về khả năng đó chỉ có thể được thực hiện sau khi kết thúc cuộc điều tra.

Ông Novak cho hay, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Uzbekistan là những khách hàng tiềm năng của trung tâm khí đốt mới. Ngoài ra, cũng có triển vọng về việc vận chuyển khí đốt tới Pakistan và Afghanistan thông qua cơ sở hạ tầng Trung Á hoặc từ lãnh thổ Iran trên cơ sở hoán đổi: Nga sẽ nhận khí đốt của Iran ở phía nam đất nước và đổi lại cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng Iran ở phía bắc.

Bên cạnh đó, có một thỏa thuận tạm thời tăng nguồn cung cho Azerbaijan.

Phó Thủ tướng Novak gọi các biện pháp trừng phạt là "lệnh cấm trên thực tế" đối với việc cung cấp năng lượng của Nga cho các nước phương Tây. Theo ông, nhiều quyết định, bao gồm cả việc áp giá trần dầu mỏ và khí đốt, được đưa ra để thu lợi chính trị và "kích động khủng hoảng lâu dài và sâu sắc, bất ổn ở Châu Âu".

Phó Thủ tướng cho hay, Nga đang xây dựng hệ thống hậu cần mới để vận chuyển dầu khí nhưng cho đến khi giải quyết xong, lệnh cấm vận của Châu Âu có thể khiến sản lượng dầu của Nga giảm 7-8% vào năm 2023.

Ông Novak tiết lộ, có thể có một số ngoại lệ đối với việc giao dầu và các sản phẩm dầu trong lệnh cấm vận của Châu Âu, lưu ý rằng ngay cả Đức và Ba Lan cũng yêu cầu giao dầu vào năm 2023 mà không nêu rõ nguồn gốc của nhiên liệu, mặc dù các quan chức Đức trước đó cho biết họ muốn nói đến dầu của Kazakhstan.

"Khi người tiêu dùng bắt đầu can thiệp vào nền kinh tế thị trường, điều đó chỉ dẫn đến sự mất cân bằng" - ông Novak nhấn mạnh.

Nga thúc đẩy thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Ảnh: AFP
Nga thúc đẩy thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Ảnh: AFP

Ông cũng ca ngợi việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp, nói rằng cách làm này giúp ổn định thị trường.

"Ví dụ, Gazprom đã chuyển đổi hoàn toàn thanh toán khí đốt của đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) thành nhân dân tệ và đồng rúp trên cơ sở ngang giá. Giao dịch bằng đồng rupee của Ấn Độ, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng rúp của Nga cũng đang tăng lên" - ông nói.

Về triển vọng của ngành năng lượng Nga, ông Novak cho biết: “Nga là quốc gia năng lượng lớn nhất (với 20% lượng khí đốt xuất khẩu và hơn 20% dầu mỏ của thế giới), đứng thứ ba thế giới về nguồn cung than. Rõ ràng, mức tiêu thụ năng lượng sẽ chỉ tăng lên trong tương lai, vì vậy tôi không thể tưởng tượng được nền kinh tế thế giới sẽ xoay sở như thế nào nếu không có nguồn năng lượng của chúng tôi. Không ai có thể thay thế chúng tôi. Về vấn đề này, chúng tôi lạc quan và đặt cho mình những mục tiêu đầy tham vọng" - Phó Thủ tướng Nga nói.

Ngọc Vân

Nguồn: Khách hàng tiềm năng của trung tâm khí đốt Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (laodong.vn)