Dự luật năng lượng tái tạo Pháp: Đòn bẩy cho quá trình chuyển đổi năng lượng

Tháng 2 năm 2023, Quốc hội và Thượng viện Pháp đã thông qua Dự luật thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Đòn bẩy cho năng lượng tái tạo

Khủng hoảng năng lượng là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia, nhất là các nước Liên minh châu Âu (EU), song cũng tạo động lực thúc đẩy thế giới tăng tốc trên lộ trình phát triển năng lượng sạch. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, chính phủ nước này sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Khẳng định năng lượng tái tạo là một trong hai trụ cột chính trong lĩnh vực năng lượng của Pháp từ nay đến năm 2050, Tổng thống Macron nhấn mạnh, việc mất 10 năm để xây dựng một nhà máy năng lượng tái tạo như hiện nay là quá lâu; Pháp cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu về điện, dự kiến tăng khoảng 40% vào năm 2050.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol khẳng định, khủng hoảng năng lượng toàn cầu có thể tạo ra bước ngoặt quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng sạch được xem là xu thế tất yếu, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, ổn định giá năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, IEA kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục thúc đẩy cấp giấy phép và đề ra sáng kiến để nhanh chóng triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Cùng với Pháp, hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng công bố các dự án đầu tư cho năng lượng tái tạo.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ưu tiên hàng đầu của Pháp là phát triển năng lượng tái tạo với 3 loại hình chính là điện gió trên biển, điện gió trên đất liền và điện mặt trời.

Ông Macron cho rằng việc mất hơn 10 năm để hoàn thành nhà máy điện gió trên biển tại Saint – Nazaire là quá dài. Chính phủ Pháp sẽ cần phải ban hành một đạo luật cho phép rút ngắn một nửa thời gian xây dựng mới có thể đạt được mục tiêu tham vọng là hoàn thành 50 trang trại điện gió trên biển vào năm 2050.

Bên cạnh đó, cũng cần tạo hành lang pháp lý cho việc giải phóng các quỹ đất, nhất là tại khu vực hoang hoá, khô cằn hay cả với đất nông nghiệp, để triển khai các tổ hợp điện gió trên đất liền và điện mặt trời. Trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống đầu năm 2022, ông Macron đã cam kết sẽ nâng gấp 10 lần công suất điện mặt trời so với hiện nay.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo mới có thể đáp ứng nhu cầu về điện của Pháp dự kiến sẽ tăng thêm ít nhất 40% vào năm 2050.

Từ tầm nhìn đến hành động

Luật Thúc đẩy năng lượng tái tạo của Pháp đã đạt được 300 phiếu thuận và 13 phiếu chống, chủ yếu từ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và phe trung lập. Phần khó khăn nhất của cuộc thảo luận xoay quanh việc lập kế hoạch các khu vực để đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, cũng như các khu vực có khả năng loại trừ, dưới sự đồng thuận của các địa phương.

Pháp phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hạt nhân

Từ lâu, Pháp vốn lệ thuộc vào hệ thống điện hạt nhân. Do đó, năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 19,3% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng, thấp hơn so với nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Chính phủ Pháp được cho là đã nâng cao các mục tiêu về năng lượng tái tạo, nhằm tăng gấp 10 lần năng lượng mặt trời và tăng gấp đôi công suất của các trang trại gió trên bờ vào năm 2050.

Đặc biệt, gió ngoài khơi sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong ngành điện hạt nhân của quốc gia châu Âu. Hiệp ước gió ngoài khơi, được ký hồi tháng 3/2022 giữa chính phủ Pháp và ngành công nghiệp, nhằm hướng tới tạo ra ít nhất 18 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2035 và 40 GW vào năm 2050. Trên thực tế, Pháp hiện chỉ có 480 MW điện gió ngoài khơi đang hoạt động tại dự án St Nazaire.

Để thúc đẩy điện gió phát triển, giai đoạn năm 2021-2022, Chính phủ Pháp đã đưa ra 5 gói thầu cho 6 trang trại gió mới với tổng công suất 4,2 GW, trong đó 750 MW dành cho các trang trại gió nổi. Mục tiêu là đấu thầu công suất mới tối thiểu 2 GW một năm từ năm 2025. Cho đến nay, tổng cộng 7 GW đã được đấu thầu hoặc đang được phát triển. Tài nguyên gió ngoài khơi của Pháp đã được chứng minh là rất lớn.

Theo Hội đồng năng lượng gió toàn cầu, tiềm năng kỹ thuật của Pháp bao gồm 169 GW lắp đặt đáy cố định và 454 GW trang trại gió nổi. Chính sách đổi mới tập trung vào nguồn tài nguyên này hứa hẹn đóng góp to lớn cho cả an ninh năng lượng của Pháp và tham vọng không phát thải ròng.

Các thủ tục cấp phép kéo dài thực sự là một trở ngại đối với việc triển khai năng lượng tái tạo ở châu Âu. Thực tế, đây là thách thức đã được Ủy ban châu Âu (EC) và các tổ chức công nghiệp như WindEurope nhấn mạnh.

Tại Pháp, cần khoảng thời gian 8-10 năm để phát triển một trang trại gió ngoài khơi, lâu hơn ở các nước châu Âu khác, song chính phủ hiện đã có những động thái nhằm cải thiện điều này.

Hỗ trợ tối đa cho quá trình chuyển đổi

Các đề xuất dường như đặc biệt hiệu quả để tăng tốc phát triển điện gió ngoài khơi. Dự luật yêu cầu quy hoạch không gian cho các địa điểm đặt trang trại điện gió ngoài khơi và kết nối lưới điện cho đến năm 2050. Quy hoạch không gian sẽ được thông qua vào năm 2024 cùng lúc với khung năng lượng nhiều năm của quốc gia.

Dự luật cũng nhóm các cuộc tranh luận công khai về các khu vực cụ thể của bờ biển, thay vì yêu cầu từng dự án gió riêng lẻ phải trải qua quá trình này. Ngoài ra, nó cũng thiết lập một chế độ pháp lý duy nhất cho các khu vực hàng hải của Pháp, tập hợp các lĩnh vực hàng hải công cộng gần bờ và Vùng đặc quyền kinh tế lớn hơn. Những biện pháp này có thể tiết kiệm tới 2 năm thời gian phát triển dự án.

Lần đầu tiên, dự luật kể trên đã tạo ra một chế độ pháp lý mới cho các đảo nhân tạo, cũng như các công trình và thiết bị nổi.

Để có "tính thích ứng" tốt hơn, Hạ viện Pháp đã đề ra tiêu chí cảnh quan để "hạn chế hiện tượng làm rối mắt" của các công trình, nhất là của các turbine gió. Nhằm bảo đảm độ phủ đồng đều của công trình năng lượng tái tạo trên toàn lãnh thổ, luật cũng quy định về cơ chế điều chỉnh biểu giá nhằm khuyến khích triển khai dự án ở những khu vực có điều kiện tự nhiên ít thuận lợi hơn.

Về việc thêm không gian cho điện mặt trời, luật cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc lắp đặt các tấm pin điện mặt trời dọc tuyến đường cao tốc và đường lớn, đồng thời tạo ngoại lệ cho việc lắp đặt pin quang điện ở khu vực hẻo lánh và trên núi. Ngoài ra, các bãi đỗ xe ngoài trời rộng hơn 1.500m2 sẽ dần được phủ mái che có kèm tấm pin quang điện trên nóc.

Dự luật còn cho phép kết nối điện của trang trại gió ngoài khơi bằng cách "nới lỏng" các luật hiện hành áp dụng cho đường bờ biển. Hạ viện Pháp đã bác bỏ yêu cầu sửa đổi của đảng Cộng hòa về việc xây dựng trang trại điện gió cách bờ biển tối thiểu 40km. Như vậy, trang trại điện gió sẽ được ưu tiên đặt trong khu vực thuận lợi bên trong vùng đặc quyền kinh tế - cách bờ biển tối thiểu 22km và bên ngoài vị trí của vườn bảo tồn đại dương.

Hồi tháng 2, EC đã phê duyệt kế hoạch cung cấp khoản hỗ trợ lên tới 2,08 tỷ euro cho một trang trại gió nổi có công suất khoảng 250 MW ngoài khơi bờ biển phía nam Brittany. Các nhà phát triển quan tâm sẽ tham gia một vòng đấu thầu vào cuối năm nay, trong khi việc vận hành dự án dự kiến vào khoảng năm 2030.

Bên cạnh đó, dự luật cho phép chính phủ chỉ đạo các Nhà điều hành Hệ thống truyền tải đầu tư vào các kết nối lưới điện để chuẩn bị cho các quyết định đầu tư tài chính cho các trang trại gió ngoài khơi.

Về vấn đề tái phân phối, Hạ viện Pháp đã thiết lập nguyên tắc giảm giá cho hóa đơn tiêu thụ năng lượng tái tạo. Họ ủng hộ những biện pháp có quy mô rộng trên toàn lãnh thổ, tạo điều kiện cho các thành phố và vùng liên thành phố tài trợ cho những dự án chuyển dịch năng lượng hoặc giúp đỡ những hộ gia đình trong cuộc chiến chống lại tình trạng nghèo năng lượng.

Trong khi đó, luật mới cũng có những quy định về "nông nghiệp quang điện". Nhà chức trách Pháp định nghĩa khái niệm mới này là sự kết hợp giữa hoạt động nông nghiệp và sản xuất điện. Ví dụ, lắp đặt các tấm pin mặt trời trực tiếp lên đất sản xuất, giúp hỗ trợ trồng trọt, chăn thả gia súc. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn là hoạt động chính, do đó, công trình lắp đặt phải có khả năng tháo dỡ được. Luật xem phương thức sản xuất này như một giải pháp hoàn chỉnh cho ngành điện mặt trời. Điều này đã nhận được sự hoan nghênh của Hiệp hội Nông nghiệp quang điện Pháp. Theo ước tính, nó có thể chiếm gần 60% khối lượng các tấm quang điện được lắp đặt vào năm 2050.

Giải pháp tài chính

Việc huy động tài chính cho các dự án điện gió ngoài khơi cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm. Dự luật đưa ra khung pháp lý cho Hợp đồng mua bán điện (PPA), là những thỏa thuận được thực hiện trực tiếp giữa nhà phát triển trang trại gió và người dùng cuối, thường là một tập đoàn.

Nó cũng có thể sử dụng kép PPA và các giao ước khác trong đấu thầu tương lai, điều được gọi là "giá thầu hỗn hợp".

Đối với phát triển năng lượng tái tạo rộng lớn hơn, điều này sẽ bao gồm một điều khoản về chia sẻ giá trị của năng lượng tái tạo, từ đó dẫn đến sự tham gia bắt buộc vào 2 quỹ dành riêng cho việc tài trợ cho các biện pháp chuyển đổi năng lượng của cả quốc gia và địa phương.

Các bước tiếp theo của dự luật là thông qua nghị định thi hành, dự kiến trong năm nay hoặc năm sau. Chiến lược quốc gia về hàng hải dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6 và các tài liệu quy hoạch không gian vào tháng 7/2024, sau khi tham vấn cộng đồng.

Từ điểm khởi đầu là 480 MW, việc ra đời một đạo luật mới sẽ đặt Pháp trên con đường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh hơn, khiến mục tiêu 18 GW vào năm 2030 trở nên khả thi hơn.

Bình An

 

Nguồn:https://nangluongquocte.petrotimes.vn/du-luat-nang-luong-tai-tao-phap-don-bay-cho-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-700153.html