Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nguồn năng lượng carbon thấp, nhất là năng lượng tái tạo, sẽ đáp ứng “gần như toàn bộ” nhu cầu toàn cầu dự kiến về mức sử dụng điện trong ba năm tới, giúp hạn chế lượng khí thải CO2 từ ngành điện.
Theo IEA, nhu cầu điện đang tăng lên. Vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 2%, do tình trạng khủng hoảng năng lượng và kinh tế khó khăn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo dự báo của IEA, mức độ tăng trưởng năm 2023 sẽ tăng trở lại và đạt 3%.
Trong năm nay, năng lượng tái tạo (nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió) sẽ tăng trưởng rất mạnh. Nhờ có năng lượng hạt nhân, những loại năng lượng carbon thấp sẽ đáp ứng trung bình hơn 90% lượng nhu cầu mới, từ nay cho đến ít nhất năm 2025.
Theo ước tính của IEA về mặt phát thải, dấu chân carbon của ngành điện “chắc chắn” sẽ không tăng đáng kể, ngay cả trong bối cảnh phát thải rất nhiều do lệ thuộc chủ yếu vào tiềm lực của các nhà máy nhiệt điện than hoặc khí đốt.
Các thị trường châu Á mới nổi cũng đang hưởng ứng phong trào này. Theo IEA, trong ba năm tới, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ đóng góp hơn 70% vào hoạt động tăng trưởng, “dù rằng Trung Quốc vẫn chưa có xu hướng chắc chắn, nhất là về mặt hồi phục nền kinh tế sau khi đã gỡ bỏ chính sách hạn chế phòng chống dịch COVID-19”.
IEA ước tính, từ nay cho đến năm 2025, nhu cầu tiêu thụ điện của Trung Quốc sẽ chiếm 1/3 tổng sản lượng điện của thế giới, so với 1/4 vào năm 2015. Hơn nữa, quốc gia này sẽ có 45% đóng góp vào mức tăng trưởng trong ngành năng lượng tái tạo.
Các nền kinh tế tiên tiến cũng không chịu thua kém. Thật vậy, họ đang chuyển sang sử dụng động cơ điện nhằm tránh tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhất là trong ngành giao thông vận tải.
Trong vòng ba năm, nhu cầu tiêu thụ điện của thế giới sẽ tương đương với mức tiêu thụ hiện tại của Nhật Bản.
Ông Fatih Birol - Giám đốc IEA nhận xét: “Tin tốt là năng lượng tái tạo và hạt nhân đang phát triển đủ nhanh để đáp ứng gần như hoàn toàn lượng nhu cầu bổ sung này. Điều này có nghĩa là chúng ta đang tiến gần đến điểm bùng phát đối với lượng phát thải từ ngành điện”.
Theo dự kiến, năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng nhiều hơn tất cả những nguồn năng lượng khác cộng lại, với mức +9%/năm trong giai đoạn 2023-2025. Dự kiến vào năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 35% cơ cấu sản lượng điện được sản xuất trên toàn cầu, so với mức 29% của năm 2022.
Còn năng lượng hạt nhân dân dụng sẽ tăng 3,6%/năm.
Đồng thời, tần suất sử dụng nhà máy nhiệt điện khí của EU dự kiến sẽ giảm, nhưng Trung Đông sẽ tăng đáng kể trong mặt này. Còn tần suất sử dụng nhà máy nhiệt điện than đang suy giảm ở châu Âu và châu Mỹ, nhưng lại cao trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cuối cùng, theo ước tính của IEA, vì nhu cầu cao hơn, lượng khí thải CO2 của ngành năng lượng đã đạt đỉnh vào năm 2022 và sẽ duy trì mức tương tự cho đến năm 2025.
Ngọc Duyên
Nguồn:Dự báo mới nhất của IEA: Năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu tăng trưởng (petrotimes.vn)