Vài năm trước, năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển mạnh, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Lãi suất chạm đáy đã làm giảm chi phí năng lượng sạch. Giá của các tấm pin mặt trời và tua bin gió giảm, tạo điều kiện cho các công ty mở rộng quy mô. Năng lượng sạch trở nên cạnh tranh hơn, đưa trực tiếp đến các đối tác sử dụng dịch vụ.
Các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng như Brookfield và Macquarie đã xác định chuyển đổi tới năng lượng tái tạo. Một số công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng vậy, chẳng hạn như công ty dầu khí BP. Lợi nhuận trung bình trên vốn mà các nhà phát triển năng lượng tái tạo tăng từ 3% năm 2015 lên 6% vào năm 2019, tương đương khai thác dầu khí nhưng ít biến động hơn.
Hiện tại, mọi thứ dường như ảm đạm hơn. Trong hai năm qua, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đã bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao, những khó khăn trong chuỗi cung ứng cùng nhiều yếu tố khác.
“Phí bảo hiểm xanh” trong cổ phiếu đã chuyển thành “chiết khấu xanh”. Chỉ số Năng lượng sạch Toàn cầu S&P đã giảm 32% trong 12 tháng qua, ngay cả khi thị trường chứng khoán thế giới tăng 11%. Công ty năng lượng tái tạo AES đã mất hơn một phần ba giá trị. NextEra hiện có giá trị gần bằng một phần ba ExxonMobil. Các nhà sản xuất tua-bin gió thua lỗ. Cổ đông của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng bị ảnh hưởng lớn.
Vấn đề được đặt ra là chi phí gia tăng dọc theo chuỗi cung ứng. Giá của polysilicon, vật liệu chính trong các tấm pin mặt trời, đã tăng vọt từ 10 USD/kg vào năm 2020 lên tới 35 USD/kg vào năm 2022.
Chi phí liên quan đến tuabin gió cũng tăng vọt. Xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá thép tăng cao, một mặt hàng đầu vào quan trọng mà cả hai nước đều là nhà sản xuất lớn.
Đối mặt với tình thế hiện tại, các công ty năng lượng tái tạo phương Tây hiện tính phí cao hơn 20% so với năm 2020. Bloombergnef thống kê, những đợt tăng giá này kết hợp với lãi suất cao hơn đã làm tăng giá các dự án gió ngoài khơi của Mỹ lên 50% trong hai năm qua. Trong đó, giá cả đã bao gồm những hỗ trợ từ chính phủ Mỹ.
Ở Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo đã hủy bỏ hoặc tìm cách đàm phán lại hợp đồng. Vào tháng 10, Orsted, một công ty Đan Mạch là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, ghi nhận khoản lỗ 4 tỉ USD khi hủy bỏ hai dự án lớn ngoài khơi bang New Jersey. Tại Anh, dự án cung cấp năng lượng gió ngoài khơi vào lưới điện với mức giá đảm bảo tối đa là 44 bảng Anh (56 USD) mỗi megawatt giờ (mwh) đã không nhận được hồ sơ dự thầu.
Một vấn đề khác, là tiến độ phê duyệt. Ở Mỹ, trung bình phải mất bốn năm cho một dự án năng lượng mặt trời và sáu năm cho một dự án điện gió trên bờ được phê duyệt. EU quy định, chậm nhất 2 năm phải phê duyệt cho một dự án năng lượng tái tạo, nhưng trên thực tế lại khác. Lý do một phần bởi các dự án này thường sản xuất ít năng lượng hơn các nhà máy điện thông thường cũng như hệ thống truyền tải phức tạp.
Tất cả điều này trở nên tồi tệ hơn bởi "chủ nghĩa bảo hộ xanh" đang gia tăng do căng thẳng địa chính trị. Các hạn chế thương mại sẽ không chỉ loại bỏ các tấm pin mặt trời và tua-bin gió có giá cả phải chăng, mà gián tiếp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và cách đánh thuế linh kiện. Có rất ít dấu hiệu tích cực cho thấy vấn đề này được cải thiện.
Về phần mình, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang nỗ lực tăng giá mà không làm ảnh hưởng đến nhu cầu. Trong hai năm qua, giá năng lượng mặt trời và năng lượng gió mà các nhà phát triển ở Mỹ nhận được theo hợp đồng mua bán điện đã tăng gần 60%. Andres Gluski - ông chủ của AES - cho biết: Công ty của ông đang trên đà đưa công suất năng lượng tái tạo vào sử dụng trong năm nay nhiều hơn gấp đôi so với năm 2022 và lợi nhuận vẫn ổn định. Trong dự án điện gió gió ngoài khơi vào năm tới, Anh sẽ nâng mức giá tối đa từ 44 bảng mỗi mwh lên 73 bảng để thu hút nhà thầu. Đức cũng làm điều tương tự.
Không doanh nghiệp nào vui vẻ với việc tăng giá, nhưng họ đang dần thích nghi với tình hình mới.
Quý An
Nguồn:Doanh nghiệp năng lượng tái tạo oằn mình trong tình hình mới (laodong.vn)