Điện mặt trời mái nhà vẫn… ế

Năm 2021, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) phải vận động khách hàng giảm huy động công suất điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) theo lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam để đảm bảo vận hành lưới điện. Việc giảm huy động điện ở các dự án mà trước đó ngành điện khuyến khích lắp đặt đã ảnh hưởng không ít đến doanh thu, lợi nhuận và tâm lý của chủ đầu tư.


Nhân viên Công ty TNHH Kỹ thuật DAT (TP.HCM) lắp đặt điện mặt trời cho khách hàng. Ảnh minh họa: Công ty cung cấp

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, nhu cầu năng lượng xanh cho sản xuất rất lớn, tuy nhiên ở một số thời điểm, một số dự án ĐMTMN lại ế sản lượng.

* Bị cắt giảm công suất

Nhiều tháng qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam liên tiếp phát đi các văn bản công bố công suất huy động tối đa, công suất không hấp thụ nguồn ĐMTMN. Trong văn bản công bố công suất không hấp thụ ĐMTMN mới đây nhất có nội dung, để đảm bảo vận hành lưới điện, Điện lực các tỉnh thực hiện huy động công suất ĐMTMN theo thời gian, công suất Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam phân bổ; không huy động công suất ĐMTMN theo công bố công suất không hấp thụ được.

Theo bảng phân bổ công suất không huy động đối với 21 tỉnh, thành phía Nam từ ngày 3 đến 9-1, PC Bình Dương sẽ phải giảm công suất huy động nhiều nhất, từ 70-130MW/ngày; PC Đồng Nai đứng thứ 2 với công suất không huy động  60-110MW/ngày; tiếp đó là các tỉnh: Bình Phước, Long An, Ninh Thuận. Thời gian thực hiện giảm từ 10 giờ 30 đến 12 giờ, có ngày đến 15 giờ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Thành Tựu, Công ty CP Ves (TP.HCM) cho biết, thời gian qua, một số dự án ĐMTMN quy mô công suất vừa và lớn của doanh nghiệp (DN) và đối tác bị giảm sản lượng. Thời gian thực hiện giảm sản lượng thường vào khung giờ cao điểm ĐMTMN phát lưới nhiều nhất. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của chủ đầu tư cũng như quyết định lắp đặt ĐMTMN của khách hàng.

Ông Bùi Công Nam, Trưởng bộ phận thi công, Công ty TNHH Giải pháp năng lượng xanh (Đồng Nai) cho rằng, việc ngành điện giảm huy động công suất, cộng với chính sách về giá mua bán hơn 1 năm nay bị trống đã tác động không nhỏ đến các đơn vị kinh doanh thiết bị, thi công lắp đặt ĐMTMN. Ông Nam cho rằng, nhiều hộ gia đình có nhu cầu lắp đặt ĐMTMN để sử dụng và bán lại phần dư thừa cho ngành điện nhưng ngành điện đang tạm dừng ký hợp đồng mua bán với khách hàng, một số hộ bị giảm công suất huy động 1-2 ngày/tuần nên nhiều người không lắp đặt ĐMTMN lúc này.

Theo chia sẻ của ngành điện, trong 2 năm 2019 và 2020, các dự án ĐMTMN phát triển mạnh mẽ, trong khi đó, hạ tầng lưới điện truyền tải nhiều nơi không theo kịp dẫn đến việc phải cắt giảm công suất để tránh nguy cơ quá tải lưới điện. Thêm vào đó, trong năm qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy phải giảm quy mô, tạm ngưng sản xuất dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng giảm. Bước sang mùa khô, công suất ĐMTMN ở các tỉnh phía Nam đạt cao.

Cũng theo ngành điện, việc điều tiết công suất phát ĐMTMN lên lưới theo đúng các quy định hiện hành tại Luật Điện lực và các thông tư, quy định của Bộ Công thương; đảm bảo tần số hệ thống điện, đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, hạn chế xảy ra sự cố do công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải.

* Chưa phù hợp với định hướng phát triển năng lượng

Việc khuyến khích phát triển các dự án ĐMTMN để bổ sung nguồn năng lượng sạch và giảm bớt áp lực đầu tư cho ngành điện là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, do ĐMTMN phát triển quá nhanh, trong khi hạ tầng lưới điện không theo kịp dẫn đến tình trạng quá tải công suất, phải giảm sản lượng huy động. Điều này vừa thiệt thòi cho nhà đầu tư, vừa lãng phí nguồn năng lượng, không phù hợp với định hướng phát triển năng lượng tái tạo.

Đại diện Công ty CP Ves cho rằng, từ khi ngành điện tạm dừng ký hợp đồng mua bán điện đối với các dự án ĐMTMN, nhu cầu lắp đặt giảm đáng kể. DN vẫn nhận lắp đặt ĐMTMN cho các khách hàng nhưng chủ yếu dự án quy mô nhỏ và vừa, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt tại chỗ. Sau khi chính sách giá mua ĐMTMN cố định hết hiệu lực (năm 2020), DN chuyển sang tư vấn cho khách hàng, đối tác đầu tư thiết bị lưu trữ điện để sử dụng trong thời gian pin năng lượng mặt trời không sản xuất điện được. 

Ông Phạm Việt Phương, Trưởng bộ phận Marketing Công ty TNHH Kỹ thuật DAT (TP.HCM) cho rằng, đối với các dự án ĐMTMN lắp đặt để sử dụng tại chỗ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách giá cố định hay việc ngành điện giảm công suất huy động. Do đó, DN đang đẩy mạnh các sản phẩm: đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho các dự án đường giao thông nông thôn, đường đô thị và chiếu sáng trong khu công nghiệp; pin năng lượng mặt trời kết hợp thiết bị lưu trữ để sử dụng buổi tối như vậy sẽ hạn chế tình trạng lãng phí năng lượng.

Theo các nhà đầu tư, việc giảm công suất phát lưới của năng lượng tái tạo do dịch bệnh, nhu cầu sử dụng năng lượng giảm có thể cảm thông, chia sẻ với ngành điện. Tuy nhiên, việc các nhà quản lý đưa ra cơ chế khuyến khích lắp đặt, sau đó lại liên tục cắt giảm công suất các nguồn năng lượng này cần phải xem xét lại, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận và gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư, DN sản xuất, đơn vị kinh doanh thiết bị ĐMTMN. Các DN cho rằng, ngành điện giảm ĐMTMN nhưng vẫn đặt nguy cơ thiếu điện, xin nhập khẩu than để sản xuất điện như vậy là không phù hợp.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề đối với ngành điện hiện là câu chuyện về hạ tầng truyền tải điện; kiểm soát phát triển các dự án năng lượng tái tạo phù hợp với những nơi có nhu cầu lớn.

Tính đến hết năm 2020, tại Đồng Nai có gần 6 ngàn khách hàng (hộ gia đình, DN) ký hợp đồng mua bán ĐMTMN với PC Đồng Nai. Tổng công suất lắp đặt gần 690MW.

Từ đầu năm 2021 đến nay, PC Đồng Nai không ký hợp đồng mua bán điện từ các ĐMTMN. Cũng trong năm 2021 và đầu năm 2022, PC Đồng Nai vận động khách hàng thực hiện giảm huy động công suất ĐMTMN theo lệnh của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam để đảm bảo vận hành lưới điện.

 

Lê An

http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202201/dien-mat-troi-mai-nha-van-e-3097932/