Điện khí tự nhiên hóa lỏng vẫn là một phần quan trọng trong câu chuyện chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các nhà đầu tư liên tục thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến lĩnh vực này.
LNG được coi là một giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đầy tiềm năng, đồng thời giúp huy động và thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Theo dự thảo mới nhất của Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), nhiệt điện sử dụng khí sản xuất trong nước (gồm nhà máy điện tua-bin khí) và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) - không bao gồm các nguồn điện tua-bin khí linh hoạt sử dụng LNG - đến năm 2030 có tổng công suất lắp đặt khoảng 29.700-38.800 MW, chiếm 24-29% tổng sản lượng điện quốc gia.
Đến năm 2045, tổng công suất LNG lắp đặt khoảng 43.300-46.300 MW, sản xuất 233,6-246 tỷ kWh và chiếm 20-24% tổng sản lượng điện.
Xu hướng chính sách đó đã được chứng minh bằng tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hồi tháng 11 năm 2021 về việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, LNG được coi là một giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đầy tiềm năng, đồng thời giúp huy động và thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hồi đầu năm, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) nhấn mạnh, khí đốt có thể đóng vai trò là nhiên liệu chuyển đổi quan trọng và giúp Việt Nam xây dựng cầu nối hướng tới năng lượng sạch. Quá trình chuyển đổi sẽ mất nhiều thời gian và trong tương lai gần, sự phát triển của các dự án khí đốt thành điện ngoài khơi và những dự án khác có tiềm năng mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường.
Theo đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội tại VBF, việc đưa ra quyết định chính xác và công nghệ mới với hỗn hợp khí đốt và năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam giải quyết các mối quan tâm ngày càng cao về môi trường và tránh được nhiều vấn đề môi trường mà các nước như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trải qua.
Một số giao dịch đã được triển khai thực hiện trong lĩnh vực này. Trong cuộc họp giữa Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cuối năm ngoái, ông Bernerd Da Santos, Phó chủ tịch điều hành, kiêm Tổng giám đốc AES cho biết, việc ký kết thỏa thuận liên doanh phát triển Dự án Kho cảng Sơn Mỹ LNG giữa AES và PetroVietnam là “một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển nguồn năng lượng LNG của Việt Nam”, đồng thời góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải tại Việt Nam theo cam kết tại COP26.
Tập đoàn AES đã duy trì cam kết đối với sự tăng trưởng kinh tế và xã hội của Việt Nam bằng cách đầu tư vào các giải pháp năng lượng bền vững và đáng tin cậy, như phát triển nhà máy điện tua-bin khí Sơn Mỹ 2 (tổng công suất 2,2 GW, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD) và liên doanh Kho cảng Sơn Mỹ LNG (công suất 3,6 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 1,31 tỷ USD) tại tỉnh Bình Thuận.
Việt Nam có gần 20 nhà máy nhiệt điện LNG đang được triển khai trên toàn quốc, bao gồm Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW của Delta Offshore Energy và LNG Quảng Ninh do PV Power, Colavi, Tokyo Gas, ExxonMobil triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số sáng kiến này vẫn chưa xác định rõ nguồn nhiên liệu.
Mặc dù Việt Nam đã đặt mục tiêu bắt đầu nhập khẩu LNG trong năm nay, nhưng vẫn thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Do đó, các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này có thể cần đầu tư cho tất cả các khâu trong chuỗi LNG và đảm bảo hoạt động trơn tru của các dự án của họ. Điều này sẽ kéo theo các quy trình phê duyệt quy định phức tạp và kéo dài liên quan đến từng thành phần của chuỗi.
Theo PV Gas, trong năm 2021, Tổng công ty đã ký 8 thỏa thuận mua bán tổng thể với các nhà cung cấp đến từ châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và đang tiếp tục đàm phán, thống nhất và ký kết các thỏa thuận với nhiều nhà cung cấp LNG khác trên thế giới. Việc đa dạng hóa nhà cung cấp tạo cho PV Gas lợi thế có nhiều sự lựa chọn về nguồn cung với giá cả và chất lượng cạnh tranh.
Nhu cầu mạnh, sản xuất trong nước yếu và các chính sách hỗ trợ đồng nghĩa với việc châu Á sẽ chiếm 95% tăng trưởng nhu cầu LNG toàn cầu từ năm 2020 đến cuối năm 2022. Trong khi đó, châu Á là điểm đến hàng đầu cho các dự án LNG của Hoa Kỳ kể từ khi nước này bắt đầu xuất hàng vào năm 2016.
https://baodautu.vn/dien-khi-tu-nhien-hoa-long-thu-hut-nha-dau-tu-d165559.html