Dự kiến 21/12/2021, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát hành hồ sơ mời thầu dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, nhưng trước đó tỉnh này đã quyết định deadline quý II/2026 dự án phải hoàn thành. Trong khi quy trình từ đấu thầu đến thương thảo hợp đồng trên thực tế còn mất rất nhiều thời gian.
Ngày 12/2/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 48/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về đề nghị bổ sung Trung tâm điện khí LNG Cà Ná vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tại thông báo này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Thuận về việc giao địa phương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG thuộc Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, đảm bảo các yêu cầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho đất nước. Việc này được thực hiện sau khi dự án được chính thức phê duyệt bổ sung quy hoạch và Bộ Công Thương có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.
Tiếp đó, ngày 23/4/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 479/TTg-CN về việc bổ sung các Trung tâm điện lực LNG Cà Ná và Long Sơn vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Theo văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 2380/BCT-ĐL ngày 1/4/2020 về việc bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) và Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cụ thể, bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (giai đoạn 1) công suất khoảng 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tiến độ vận hành năm 2025 - 2026. Còn các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Ninh Thuận đang xúc tiến các bước để thực hiện đấu thầu tìm nhà đầu tư cho dự án điện khí Cà Ná. Ảnh: Tuổi trẻ.
Dưới sự hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 12/12/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận có thông báo số 4125/TB-SKHĐT, thông báo mời quan tâm dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW. Sơ bộ tổng chi phí của dự án là 49.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thông báo số 4125 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận lại đưa ra những tiêu chí khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại.
Cụ thể, Trung tâm điện khí LNG Cà Ná mới chỉ trong chủ trương, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác thiết kế kỹ thuật (FEED) chưa hoàn thành… thế nhưng, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết hoàn thành dự án vào quý III/2024; cam kết đầu tư xây dựng hạng mục kè đông, nạo vét luồng lạch đảm bảo cho tàu 300.000 tấn ra vào cảng hoạt động trong năm 2022.
Trả lời Nhadautu.vn hồi đầu năm nay, TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT đã chỉ ra những điểm bất hợp lý trong thông báo mời nhà đầu tư quan tâm dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná.
Theo ông Hùng, việc tỉnh Ninh Thuận yêu cầu nhà đầu tư cam kết đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2024 là điều không tưởng. “Dự án chưa có cái gì thì chẳng nhà đầu tư chân chính nào dám cam kết thời gian hoàn thành. Thông thường, người ta sẽ quy định thời gian thực hiện dự án là bao lâu, chứ không phải chốt thời gian gấp rút như vậy”, ông Hùng nói.
Ông Hùng nhận định, việc tỉnh Ninh Thuận áp tiến độ dự án phải đưa vào hoạt động trong quý III/2024 cho thấy tính cấp thiết của dự án.
Thế nhưng, gần 1 năm trôi qua, dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná vẫn chưa thể chọn ra được nhà đầu tư.
Đến ngày 13/9/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận có công văn số 1775 về việc điều chỉnh quyết định số 2162 ngày 8/12/2020 của tỉnh này. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh tiến độ dự án: Hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý II/2026 (trước đây là quý III/2024).
Hơn 1 tháng sau đó (ngày 23/10/2021) tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ra quyết định số 2032, xét đề nghị của Sở Công Thương tại tờ trình số 2266/TTr-SCT ngày 21/10/2021 và theo đề nghệ của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại báo cáo thẩm định số 4196/SKHĐT-ĐTGS ngày 22/10/2021, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW.
Quyết định này cho thấy, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 là 52.893,26 tỷ đồng.
Có thể thấy, từ khâu mời quan tâm dự án đến khâu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, sơ bộ tổng chi phí thực hiện của dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná đã “đội vốn” gần 3.000 tỷ đồng (từ 49.000 tỷ đồng lên 52.893,26 tỷ đồng).
Theo thông tin từ tỉnh Ninh Thuận, đến nay, có 5 nhà đầu tư được công nhận đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW.
Đó là Liên danh Korea Consortium gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc. Nhà đầu tư thứ 2 là Công ty Gulf MP Company Limited. Nhà đầu tư thứ 3 là Tập đoàn Jera Company Inc. Nhà đầu tư thứ 4 là liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - Công ty Siemens Energy AG - Công ty cổ phần Zarubezhneft. Nhà đầu tư thứ 5 là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.
Theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Thuận, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ.
Sở Công Thương Ninh Thuận được giao là bên mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Theo tài liệu của PV, dự kiến, ngày 29/12/2021, Sở Công Thương Ninh Thuận sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Và đến ngày 24/6/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
Đó mới là dự kiến các bước trong quá trình đấu thầu dự án, trên thực tế từ đấu thầu đến thương thảo hợp đồng còn mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, "deadline" phải hoàn thành đưa dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná vào hoạt động trong quý II/2026 sẽ là bài toán hóc búa đối với các nhà đầu tư chân chính.
https://giadinh.net.vn/dau-bai-kho-cho-nha-dau-tu-sieu-du-an-dien-khi-lng-ca-na-172211212120249343.htm