Để đáp ứng nhu cầu khí đốt cho mùa đông tới, công ty này đang có kế hoạch nhập khẩu tổng cộng 13,3 tỷ m³ LNG.
Công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc Sinopec cho biết, họ đã nhận được sự chấp thuận của nhà nước cho dự án kho cảng tiếp nhận khí đốt thứ ba của công ty.
Sinopec cũng cam kết sẽ thúc đẩy nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho mùa đông, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm tê liệt hoạt động công nghiệp ở nhiều nơi trên đất nước.
Dự kiến được xây dựng tại Long Khẩu thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, kho cảng này sẽ có công suất 6 triệu tấn LNG mỗi năm, theo Reuters.
Kho cảng mới sẽ có 4 bể chứa, mỗi bể có thể tích 220.000m³, và một cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu chở được 266.000m³ khí.
Công ty dầu khí quốc doanh này đã vận hành 2 kho cảng LNG ở Thanh Đảo và Thiên Tân, trong đó mỗi kho cảng có công suất tiếp nhận 6 triệu tấn LNG mỗi năm.
Ngoài ra, công ty đang xây dựng một cầu cảng có công suất 266.000m³ tại kho cảng Thiên Tân, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2021.
Sinopec, đặt mục tiêu vận hành công suất 1,69 tỷ m³ khí vào cuối tháng 10/2021, đang bổ sung thêm các bể chứa LNG và các hang ngầm, theo Reuters.
Để đáp ứng nhu cầu khí đốt dùng trong mùa đông tới, công ty đang có kế hoạch nhập khẩu tổng cộng 13,3 tỷ m³ LNG, cũng như vận hành các kho cảng hiện có với công suất tối đa.
Người phát ngôn của Sinopec cho biết, công suất nhập khẩu dự kiến sẽ nhiều hơn khoảng 9% so với lượng nhập khẩu cùng kỳ năm 2020.
Các kỹ thuật viên của Sinopec kiểm tra các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Thiên Tân. Ảnh: China Daily
Trong khi đó, các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu của Trung Quốc đã được Chính phủ nước này yêu cầu phải đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho mùa đông “bằng mọi giá”, để giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng điện đang đe dọa tăng trưởng kinh tế của đất nước, Bloomberg đưa tin.
Nhu cầu khí đốt của Trung Quốc thường tăng cao trong mùa đông, theo Reuters.
Với tổng lượng nhập khẩu 51,8 triệu tấn LNG trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới sớm hơn dự kiến.
Minh Đức (Theo Offshore Technology)